Trường hợp, anh Thanh ra ngoài mua xăng nhưng không chứng minh được lý do ra đường là cần thiết sẽ có thể vi phạm quy định Chỉ thị 16.
Cán bộ tỉnh Đồng Nai sẽ gõ cửa từng nhà dân để đưa hàng hỗ trợ. Clip Dân Việt
Câu hỏi:
Anh Quang Thanh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thắc mắc, xe máy của anh gần hết xăng, trong khi đó cây xăng gần chỗ anh đóng cửa. Vậy, anh Thanh có được phép di chuyển sang cây xăng ở quận khác để đổ xăng không. Nếu đi anh Thanh có vi phạm Chỉ thị 16 không?
Ngoài ra, chị Nguyễn Hồng Nhung ở quận 8, TP.Hồ Chí Minh cũng có câu hỏi, đường ống điện nước của gia đình bị hỏng, vậy chị có thể gọi thợ sửa điện nước đến nhà sửa được không. Nếu thợ điện nước di chuyển đến nhà chị, họ có vi phạm quy định và có bị xử phạt không?
Trả lời:
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho hay, từ 06h00 ngày 24/7/2021 Hà Nội thực hiện cách ly trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác…
Chỉ thị 17 được thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo hai Chỉ thị này thì người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết như cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.
Nếu như, anh Thanh đi làm việc tại cơ quan, đơn vị mà địa bàn của anh cây xăng đã đóng cửa thì anh sẽ được phép di chuyển đến cây xăng gần nhất để tiếp nhiên liệu, kể cả cây xăng đó thuộc quận khác. Bởi lẽ, anh Thanh ra ngoài có lý do chính đáng là đến công sở làm việc.
Còn trường hợp, anh Thanh ra ngoài mua xăng nhưng không chứng minh được lý do ra đường là cần thiết anh Thanh sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định. Mức phạt đối với trường hợp ra đường không có lý do chính đáng từ 1-3 triệu đồng.
Theo luật sư Bình, Công văn số 2468 ngày 23/7 và Công văn số 2490 ngày 26/7 của UBND TP. HCM về tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nêu rõ tổ chức, doanh nghiệp cung cấp điện, nước, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo quy định này, nhân viên xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật được phép làm việc kể cả trong khoảng thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Do đó, nếu là nhân viên thuộc các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp điện, nước, bạn có thể đi làm hoặc đi khắc phục, xử lý sự cố điện, nước theo yêu cầu.
Trong quá trình di chuyển, để tránh bị cơ quan chức năng xử phạt, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 5K, thợ điện nước cần mang theo các giấy tờ tùy thân, bằng lái xe, đăng ký xe, thẻ nhân viên; Giấy xác nhận hoặc phân công công tác của tổ chức, doanh nghiệp được phép hoạt động trong đó thể hiện rõ lộ trình di chuyển, làm việc của người lao động; Giấy tờ, thông tin chứng minh đang trên đường di chuyển đi khắc phục, xử lý sự cố điện nước và mặc đồng phục theo quy định.