Ở tuổi U80, nghệ sĩ Thanh Tú sống một mình trong một căn nhà nhỏ ở Hồ Tây và mãn nguyện với những gì mình có.
Mặc dù đã "sống" với dòng chảy lịch sử 45 năm qua nhưng bộ phim "Sao tháng Tám" vẫn được xem là bộ phim kinh điển duy nhất về đề tài Cách mạng tháng Tám tính đến thời điểm này. Bộ phim do NSND Trần Đắc đạo diễn, Đào Công Vũ viết kịch bản. Phim lấy nguyên mẫu bà Nguyễn Thị Hưng (Nguyễn Thị Ức (1920-1993) trong cuốn hồi ký "Nắng Hưng Yên" NXB Phụ nữ 1967 do nhà văn Hà Ân chắp bút để xây dựng nên hình tượng chiến sĩ cách mạng Nhu.
Với "chị Nhu" Thanh Tú – bộ phim "Sao tháng Tám" là một dấu mốc vô cùng đặc biệt trong sự nghiệp phim ảnh của mình. Trước đó, bà chỉ hoạt động sân khấu và gắn bó với Đoàn kịch nói Hà Nội. 45 năm trôi qua, nghệ sĩ Thanh Tú giờ đã bước vào tuổi 77 nhưng những kỷ niệm gắn liền với bộ phim thì vẫn còn rõ mồn một trong trí nhớ của bà.
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Thanh Tú cho biết: "Trước khi đóng "Sao tháng Tám", tôi là người của sân khấu. Lúc nào tôi cũng diễn sân khấu chứ không phải diễn viên điện ảnh. Nhưng có một vinh dự mà đến thời điểm này nhắc lại tôi vẫn thấy hạnh phúc đó là dù ngoại đạo nhưng tôi đã ghi được những dấu ấn nhất định trong lĩnh vực phim truyện Việt Nam".
Nghệ sĩ Thanh Tú kể, khi bà được đạo diễn Trần Đắc chọn đóng vai chị Nhu trong phim "Sao tháng Tám", nhiều người đã rất phản đối. Nhiều người nói rằng: "Cô ấy làm sao mà đóng được nghệ sĩ cách mạng, làm sao mà đóng được vai nông dân. Cô ấy ăn chơi như thế làm sao mà đóng được những nhân vật như thế". Nhưng nghệ sĩ Trần Đắc đã dứt khoát bảo: "Không, cô ấy sẽ đóng được" và không ông đã không tìm kiếm thêm ai nữa. Đó là lí do vì sao mỗi lần nhắc đến nghệ sĩ Trần Đắc, NSƯT Thanh Tú vẫn luôn trào dâng một niềm xúc động.
Năm 1977, bộ phim "Sao tháng Tám" được mang đi dự Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần thứ 10 và nghệ sĩ Thanh Tú được Ban Phụ nữ Xô-Viết tặng bằng khen, ghi nhận sự yêu thích và cảm phục vai diễn của nghệ sĩ kèm bộ ấm chén Samovar. Kỷ vật quý giá này vẫn được nữ nghệ sĩ trân trọng lưu giữ để nhớ về một thời không thể quên trong nghiệp diễn của mình.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc vì bộ phim "Sao tháng Tám" trở thành một bộ phim kinh điển của lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm nào, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 người ta lại mang ra chiếu.
Một phim chiếu màn ảnh rộng, hai tập, nói về người phụ nữ Hà Nội đi theo cách mạng rồi làm cán bộ cách mạng. Thời điểm đó, phụ nữ đi theo cách mạng mà làm lãnh đạo không phải là nhiều. Trong phim, chị Nhu lúc làm người nông dân, lúc là nhà sư, lúc là cô nữ sinh, lúc là công nhân nhà máy điện… Nghĩa là hóa thân thành rất nhiều tầng lớp và đối tượng khác nhau. Với một diễn viên, để gặp được một vai diễn đa sắc màu, đa tính cách, đa hoàn cảnh như thế không phải là dễ.
Chính vai diễn này đã giúp tôi đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Và cũng chính nhờ vai diễn này mà tôi bắt đầu biết đến Phật pháp. Ngày xưa, khi bắt tay vào đảm nhận một vai diễn nào, tôi nghiên cứu kỹ lắm.
Để có thể diễn cho ra hồn cảnh chị Nhu thâm nhập vào Phật giáo để truyền bá và giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi cũng phải tìm đến chùa Bà Đá (Hà Nội) nghe giảng pháp, học cách tụng kinh, học cách nói kệ… Để tụng được bài kinh trong "Sao tháng Tám" tôi phải học thuộc lòng bài kinh đó và phải có những hiểu biết nhất định về Phật pháp. Mình không biết gì thì mình đóng vai ấy phải tội sẽ rất cứng nhắc và khiên cưỡng.
Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với những người làm chung với tôi trong bộ phim ấy. Những người thực hiện bộ phim ấy như: anh Trần Đắc, Hòa Tâm và chị Đức Hòa giờ đã đi xa, chỉ còn lại Thanh Hiền, Dũng Nhi, anh Mạnh Hùng (quay phim), Ngọc Linh (hoạ sĩ) là còn sống. Thỉnh thoảng, khi gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ về những tháng năm làm phim thời đó", nữ nghệ sĩ kể thêm.
Đề cập đến những khúc quanh trong cuộc đời, nghệ sĩ Thanh Tú chia sẻ, nhạc sĩ Hồng Đăng là một người xem tử vi rất giỏi. Một lần (thời đó bà đang ở đỉnh cao của sự nghiệp) nam nhạc sĩ có xem tử vi cho bà và bảo: "Ơ, lạ nhỉ, mệnh của em là dạy học và đi tu". Nữ nghệ sĩ nghe thấy thế liền "chao chác": "Anh vớ vẩn, em đang như thế này mà anh bảo em đi dạy học với đi tu". Nhưng đúng mấy năm sau, sau khi tốt nghiệp ngành đạo diễn, bà lại được mời đi dạy. Bà dạy ở khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, rồi dạy cả bên Hội Phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ TP.Hà Nội về mỹ học.
"Dù bây giờ tôi sống một mình nhưng luôn thanh thản với cuộc sống của mình. Dù lớn tuổi những tôi vẫn khát khao yêu, khát khao sống… và vẫn sống bám riết vào cuộc đời. Tôi lúc nào cũng có nhu cầu tình cảm nhưng không bao giờ gặp được người đàn ông đúng nghĩa của cuộc đời mình. Người mình thích thì người ta thấy mình hơn họ quá nhiều nên không thích. Người mình không thích thì họ chỉ cần nói ra nửa câu là biết đã không hợp. Bây giờ tôi thích sống một cuộc sống tự do. Buồn thì gọi bạn bè đến chơi hoặc đi chơi cùng bạn bè. Nhiều năm nay tôi sống ở Hồ Tây trong căn nhà be bé với nhiều cây xanh".
Có một điều là mới đây nữ nghệ sĩ đã được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. So với nhiều bạn bè cùng trang lứa thì bà có hơi thiệt thòi vì nhiều thành tích mà đến giờ mới được phong tặng. Nhưng nữ nghệ sĩ lại cho rằng, duyên đến lúc nào thì nhận lúc đó.
"Tôi được cuộc đời ban tặng cho như thế này là nhiều rồi. Tôi quan niệm, cuộc đời con người, những gì mình đạt được tổng không bao giờ đổi. Nghệ thuật mình đã được 6 điểm, con cái được 3 điểm nữa… vậy là suýt soát 9 điểm rồi. Tôi nghĩ, mình được nhiều quá con mình lại chẳng được gì", nữ nghệ sĩ khiêm tốn nói.