Từ tháng 7/2021, hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch đã đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vì vậy đã có 13.000 lao động trong lĩnh vực du lịch phải tạm nghỉ không lương.
Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản cho phép hoạt động trở lại nhiều dịch vụ. Trong đó có du lịch nội tỉnh gồm các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch từ 2 sao trở lên, không quá 2 người/phòng, công suất không quá 50%. Các cơ sở này phải áp dụng nguyên tắc 5K, thực hiện khai báo y tế điện tử, quét mã QR. Nếu không thực hiện được, phải khai báo bằng tờ khai y tế để theo dõi và truy vết khi cần thiết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, hầu hết các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa kịp phục hồi sau các đợt dịch. Vì thế các doanh nghiệp dường như cạn sức chống đỡ, khó khăn chồng khó khăn. Kéo theo đó là số lao động có việc làm, có thu nhập trở lại cũng sẽ không nhiều.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Các giải pháp đóng cửa biên giới, tạm dừng một số chuyến bay quốc tế, nội địa, giãn cách xã hội… để phòng, chống dịch dẫn đến giao thông công cộng bị hạn chế đã khiến lượng khách du lịch quốc tế và nội địa giảm mạnh, kéo theo doanh thu du lịch bị sụt giảm.
"Trong 7 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt khoảng 2 triệu lượt. Từ tháng 8 do dịch diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh phía Nam nên du khách đến Lâm Đồng gần như không có. Trên địa bàn Lâm Đồng, kể từ ngày 19/7, hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch đã đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo thống kê, tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn khoảng 13.000 người và hầu hết đã tạm nghỉ không lương. Trừ một số lao động đang phục vụ tại cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly và một số nhân viên trực, bảo vệ. Tất nhiên con số này rất ít, thu nhập của họ cũng giảm đáng kể", bà Ngọc thông tin.
Bà Ngọc cũng cho biết, Sở VHTTDL tỉnh sẽ đề xuất miễn/giảm điện, nước, dịch vụ viễn thông; giảm/giãn nộp thuế; giãn nợ ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình mới. Hiện nay, Sở cũng đang trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho 105 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thọ Phong – Giám đốc Khu du lịch Thác Prenn (phường 3, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Vừa qua, ngành du lịch đã chịu rất nhiều tổn thất do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong thời điểm này, chúng tôi đã cố gắng để cải tạo cơ sở vật chất, khung cảnh trong khu du lịch để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ mở cửa đón khách du lịch. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn dịch Covid-19 được kiểm soát để đón khách vào cuối năm. Trước mắt, chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương".
Nhằm khôi phục, kích cầu du lịch trong những tháng cuối năm, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở đã hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại các hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên kết để "tăng sức đề kháng" và phát triển sau dịch.
Điều không thể thiếu là tăng cường truyền thông quảng bá Đà Lạt - Lâm Đồng "điểm đến an toàn, hấp dẫn". Trọng tâm của giải pháp này là chú trọng tuyên truyền, thông tin kịp thời về điểm đến an toàn cho khách du lịch và tiếp tục có các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên các công cụ, phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Cùng với những giải pháp trên, Sở cũng sẽ tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng lấy chất lượng làm trọng tâm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, tuyên truyền quảng bá thu hút khách.