Trong suốt chặng đường lịch sử, Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội cũng như của đất nước. Từ mốc son ấy, trải qua 67 năm với 7 lần thay đổi quy hoạch, Thủ đô Hà Nội nay đã có một diện mạo mới, với nhiều mức tiêu chuẩn mới, văn minh, hiện đại hơn.
Sáng 10/10/1954, các đơn vị quân đội, gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, giương cao cờ Quyết chiến quyết thắng từ 5 cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Đúng 15 giờ cùng ngày, còi Nhà hát Lớn Hà Nội rúc lên một hồi dài, hàng chục vạn dân Thủ đô Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên Cột cờ Hà Nội, tại Sân vận động Cột Cờ (đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay).
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Cả Thủ đô sạch bóng quân thù, hân hoan đón niềm vui chiến thắng. Ngày 10/10 đã trở thành biểu tượng của Thủ đô ca khúc khải hoàn. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, một ngày hội lớn của Thủ đô và cả nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Đó là thời kỳ nhân dân thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở đầu con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Trước hết là khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển đô thị để xứng đáng với tầm vóc của một Thủ đô văn hiến.
Sau ngày giải phóng, Hà Nội tập trung khôi phục kinh tế phát triển sản xuất. Thời điểm đó Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích 152 km2, gồm 8 quận huyện, với 37 vạn người dân ở nội thành và 16 vạn dân ở ngoại thành.
Năm 1961, tại kỳ họp thứ 2, Khóa II, Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết của Chính phủ về mở rộng TP.Hà Nội. Theo đó, Hà Nội có diện tích 586,13 km2 (nội thành 37 km2, bao gồm 4 khu phố là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 363 khối, ngoại thành 549km2 gồm 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm với 103 xã, 3 thị trấn). Dân số 913,13 nghìn người (nội thành: 436.820 người, ngoại thành 449.608 người).
Cấu trúc không gian đô thị bắt đầu có sự thay đổi theo hướng phát triển mới các khu công nghiệp ở xung quanh thành phố, trường đại học, bệnh viện ở các tuyến, trục hướng tâm. Một số khu công nghiệp xây dựng mới như Thượng Đình, Minh Khai... đã tạo ra được cơ cấu mới cho đô thị góp phần cải thiện công ăn việc làm cho người lao động.
Đặc biệt là một số khu nhà tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… được xây dựng với mô hình tiểu khu nhà ở xã hội chủ nghĩa với phương pháp hiện đại, đồng bộ phục vụ hình thức phân phối nhà theo tiêu chuẩn (4-6-8m2/người).
Khu trung tâm và những khu phố xây dựng thời Pháp thuộc được gìn giữ, bổ sung, tiếp nối từ lịch sử, nâng cấp – bổ sung các công trình đặc biệt quan trọng thể hiện vị thế của một quốc gia XHCN độc lập. Kiến trúc đô thị có hình thức không cầu kỳ, còn phần đơn giản, đơn điệu trừ một số công trình quan trọng.
Hậu giải phóng Thủ đô, tầm quan trọng của Quy hoạch chung Thủ đô bắt đầu được khẳng định, nhằm định hướng cho việc xây dựng và làm cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, từ 1976, Hà Nội xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, tăng cường quản lý thành phố về mọi mặt, cải tạo và xây dựng Thủ đô từng bước trở thành một Thành phố hiện đại.
Quy hoạch Hà Nội lúc này được định hướng phát triển theo chùm đô thị khống chế Hà Nội cũ (586km2) với 40 vạn dân. Quy hoạch xây dựng Thủ đô mới được lập với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô được Hội đồng Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 163/CP ngày 17/7/1976 với dự báo phát triển Hà Nội với dân số là 1,5 triệu người, ngoại thành được xác định là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, vành đai bảo vệ môi trường.
Dựa trên bản quy hoạch này, diện mạo Hà Nội đã có bước khởi sắc mới. Các xí nghiệp công nghiệp được cải tạo và mở rộng. Trong nội thành, nhiều khu nhà ở, chung cư thấp tầng được xây dựng. Các trường học, nhà trẻ với kiến trúc hiện đại, các công trình hạ tầng xã hội bắt đầu mọc lên ngày càng nhiều.
Nhằm khơi dậy tiềm năng, vị thế của một Thủ đô đang trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại, yêu cầu của quy hoạch đặt ra việc Hà Nội phải không ngừng mở rộng và phát triển.
Giai đoạn 1978-1998, Hà Nội tiếp tục có hai lần điều chỉnh ranh giới. Đến tháng 6/1998, đồ án quy hoạch mới đã được Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển nội thành cả hai bên sông Hồng với quy mô dân số nội thành đến năm 2020 dự báo khoảng 2,5 triệu người.
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung năm 1998, đến tháng 8/2008, Hà Nội được Quốc hội điều chỉnh địa giới với việc hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Lúc này, Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tăng gấp 3,6 lần, từ 924km2 lên 3.344km2 (là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, dân số 6.232.940 người), trở thành 1 trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.
Sau mở rộng, đến ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại".
Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.
Giờ đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã, đang được xây dựng đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hằng năm, đến nay đạt khoảng 10,3% (năm 2015 đạt 8,65%). Giao thông công cộng ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới giao thông đô thị đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống các đường vành đai, các tuyến hướng tâm và các trục chính đô thị.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung và các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành như: Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên)... đã đem đến bộ mặt đô thị Hà Nội đổi mới, hiện đại.
Quá trình đô thị hóa của Hà Nội còn lan tỏa mạnh theo chiều sâu. Trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội cho rằng, một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập và các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận.
Giờ đây, những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm các dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,... Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),... hình thành, trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển của Hà Nội thời gian qua, những yếu tố dân sinh cũng ngày càng được chú trọng hơn. Ví dụ, Hà Nội đạt được tỉ lệ bình quân về nhà ở, học sinh đi học rất lớn. Hiện diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội khoảng 27m2/người. Nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ký túc cho sinh viên đã được quan tâm. Đều ở mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước. Có thể thấy, Hà Nội rất quan tâm đến đời sống nhân dân.
Thành phố cũng đã quan tâm, chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường hơn. Nhiều vấn đề về vỉa hè, úng ngập, cảnh quan đô thị cũng đã dần được giải quyết, tạo ra cảnh quan xung quanh. Sự đột phá trong diện mạo được thể hiện cả về không gian kiến trúc, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt tạo ra diện mạo mới xanh - sạch - đẹp - văn minh - hiện đại.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, TP.Hà Nội cũng vừa công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội, giúp Thủ đô phát triển bền vững.
Quy hoạch phân khu nội đô cũng góp phần giải tỏa điểm nghẽn trong công tác quy hoạch của Hà Nội là chưa phê duyệt được các quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử. Đây cũng là các bản quy hoạch mang dấu ấn để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để Hà Nội phát triển bền vững thời gian tới.
Ngoài ra, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2021 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, định hình một thành phố bên sông, quy tụ vượng khí, phát triển bứt phá và thịnh vượng hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không chỉ có sức hấp dẫn, mà còn có tính "lịch sử". Trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô. Còn bây giờ, không gian sông Hồng đã được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng ven sông, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút mạnh các nhà đầu tư trong, ngoài nước, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, có quy hoạch được phân khu sông Hồng mới giải quyết được vấn đề dân sinh, sinh kế cho khoảng 1 triệu dân ven sông và tạo ra động lực phát triển mới; sẽ sớm giúp Hà Nội huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp ven sông, khai thác các vùng đất bãi.
Cùng với đó là quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, tạo ra dư địa phát triển mới. Quy hoạch lần này thể hiện tính khoa học, tính khả thi rất cao khi chính quyền trực tiếp vào cuộc, Thường vụ Thành ủy và Thành ủy trực tiếp họp chủ trì thông qua đồ án, Nhà nước trực tiếp làm quy hoạch, không giao cho doanh nghiệp nào. Hà Nội cũng đã lấy việc phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu và đã tham khảo tất cả những đề án nghiên cứu của Hà Lan, Hàn Quốc về quy hoạch sông Hồng.
Hành trình 67 năm mở rộng và phát triển sau ngày Giải phóng, dù đạt được nhiều thành tựu trong quy hoạch và phát triển đô thị nhưng Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức song hành.
Các bản quy hoạch mới sẽ tạo ra một tâm lý vững vàng để Hà Nội đón đầu những cơ hội phát triển, từng bước chuyển mình để trở thành Thủ đô có vai trò, vị thế không chỉ với cả nước mà còn với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự phát triển xứng tầm, nhiều chuyên gia nhận định, các bản quy hoạch khi đi vào thực tế phải thực sự chuẩn chỉnh và hiệu quả. Theo đó, việc thực thi Luật Quy hoạch đòi hỏi một tư duy mới.
"Thực tiễn cho thấy tư duy trong quy hoạch và quản lý phát triển ở những đô thị đặc biệt phức tạp như Hà Nội cần mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc, mang tính hành động thay vì lý thuyết, tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm, mang tính dài hạn thay vì nhiệm kỳ, tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương, hợp nhất liên ngành thay vì "mạnh ai nấy làm…", TS.KTS. Vũ Hoài Đức, chuyên gia quy hoạch, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận.
Còn TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, TP.Hà Nội phải giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng như giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ; việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; giao thông chưa đạt được như kỳ vọng; cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộnô…
Theo ông Nghiêm, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện định hướng xây dựng Thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", Hà Nội vẫn cần xem xét kết cấu hạ tầng là một bước đột phá, phải xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Phát triển hiện đại nhưng cần toàn diện cả đô thị và nông thôn, để nâng tầm Thủ đô phát triển thành đô thị đặc biệt.