Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vừa tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá giai đoạn 2021-2025.
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về mục đích, nội dung hợp tác giữa hai đơn vị
Trong năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến tạp gây khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, song các cấp Hội đã rất tích cực, tập trung hỗ trợ nông dân kết nối hàng trăm nghìn tấn nông sản. Xin ông cho biết thêm về cách thức triển khai của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản?
- Trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã để lại những tác động vô cùng to lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp, làm cho hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau, quả các loại lưu thông tiêu thụ bị hạn chế. Trước tình hình đó, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và việc làm cho nông dân trong đó có nội dung hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Đây cũng là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội.
Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thông qua 52 Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố, 842 "Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân", 726 cửa hàng do Hội Nông dân trực tiếp và phối hợp tổ chức, thông qua hệ thống kết nối trực tiếp giữa Hội Nông dân các tỉnh, với cầu nối là Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội đã kết nối tiêu thụ trên 200.000 tấn nông sản cho nông dân.
"Để nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, hai đơn vị sẽ phối hợp mở các khóa đào tạo, các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trên phạm vi toàn quốc…"
Ông Nguyễn Xuân Định
Thời gian qua, nhiều nông dân đã rất sáng tạo khi áp dụng công nghệ số đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để bán hàng. Ông đánh giá gì về cơ hội của nông dân khi áp dụng chuyển đổi số?
- Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nông dân Việt Nam đã rất năng động, sáng tạo khi tiếp cận nhanh chóng phương thức bán hàng qua các sàn giao dịch điện tử, biết quảng bá, gắn nhãn mác nguồn gốc xuất xứ của nông sản trên các phương tiện điện tử để bán hàng.
Theo tôi, không chỉ đơn thuần là những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản ngắn hạn, việc áp dụng chuyển đổi số đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đang dần trở thành giải pháp sản xuất, kinh doanh bền vững cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Việc tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử còn giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Hiệu quả đã thấy rõ, tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nông dân áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp do còn gặp nhiều rào cản, thách thức về hạ tầng, công nghệ, năng lực, vốn…
Được biết, tại buổi lễ ký kết, một trong những nội dung hợp tác quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là sẽ xây dựng sàn thương mại điện tử Agripostmart.vn và hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn này. Đây sẽ là nội dung mà nhiều nông dân rất mong chờ và kỳ vọng. Xin ông cho biết thêm về nội dung hợp tác này?
- Trong nội dung phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ rà soát thông tin và đưa hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao của hội viên, nông dân, chi tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử Agripostmart.vn. Hai đơn vị sẽ phối hợp xây dựng và phát triển sàn Agripostmart.vn trở thành sàn giao dịch quy mô quốc gia đối với các sản phẩm nông sản an toàn, hàng hóa của người dân tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, hai đơn vị sẽ phối hợp cập nhật thông tin sản phẩm nông nghiệp an toàn, hàng hóa của các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã lên bản đồ số V-MAP (vmap.vn) phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và tra cứu thông tin.
Cùng với sàn Agripostmart.vn, một nội dung hợp tác quan trọng nữa giữa 2 đơn vị là tổ chức triển khai chuỗi cung ứng các hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao của các hội viên, nông dân, chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Cụ thể, hai đơn vị sẽ phối hợp xây dựng Bưu điện văn hoá xã và hệ thống các điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của Hội Nông dân Việt Nam thành điểm cung cấp thông tin cho hội viên, nông dân đối với các sản phẩm vật tư nông nghiệp, tìm hiểu, mua sắm các hàng hóa, nông phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng cao; đồng thời kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản và cung cấp hàng hóa Việt Nam chất lượng cao với chính sách ưu đãi, cạnh tranh mang lại giá trị cho hội viên, nông dân.
Hai đơn vị cũng triển khai xây dựng phương án kết nối tiêu thụ, vận chuyển các hàng hoá, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao của hội viên, nông dân, chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm (chuỗi cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị) trên thị trường Việt Nam.
Thưa ông, thực tế có rất nhiều nông dân mong muốn tham gia chuyển đổi số nông nghiệp nhưng chưa được đào tạo bài bản. Vậy trong chương trình phối hợp, hai đơn vị sẽ có giải pháp hỗ trợ gì để nâng cao trình độ, năng lực cho nông dân?
Để nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, hai đơn vị sẽ phối hợp mở các khoá đào tạo, các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, với thế mạnh về nền tảng dữ liệu và công nghệ, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã với chính sách ưu đãi.
Xin cảm ơn ông!
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"