Khẳng định, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và bản thân các nông dân xuất sắc cũng cần đi đầu trong công cuộc chuyển đối số.
Thời điểm Bắc Giang đang là điểm nóng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi, đó là nhờ địa phương đã tích cực chuyển đổi số, đưa vải lên các sàn thương mại điện tử.
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều của tỉnh đạt được kết quả ấn tượng. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (cao nhất từ trước đến nay); thị trường được mở rộng và có dư địa lớn để phát triển. Đặc biệt, hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử (tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ tỉnh Đồng Nai) cho biết: Khi không có dịch, HTX nuôi được 5-5,5 lứa/năm, song hiện nay chỉ nuôi được 3-3,5 lứa/năm. Tuy nhiên, nhờ nuôi theo chuỗi liên kết nên giá bán gà của HTX không bị ảnh hưởng nhiều. Thời gian qua, trong khi giá gà trên thị trường xuống 6.000-7.000 đồng/kg, HTX vẫn bán được cho công ty đối tác với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg.
Ông Quyết nói: "Thực tế chăn nuôi, tôi nhận thấy một điều: Nông dân làm ăn nhỏ lẻ thì suốt đời không bao giờ giàu được, suốt đời khổ. Nhưng chả nhẽ có 1ha cũng đi mua máy bay điều khiển từ xa? Lời giải là chúng ta phải có cánh đồng mẫu lớn, nhiều hộ nông dân liên kết với nhau, nhiều nhà cùng thuê 1 máy bay về sử dụng.
Tôi thấy chuyển đổi số là tất yếu. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong mùa Covid, nếu chúng ta không số hoá được là chết. Nhờ công nghệ số, tôi vẫn bao quát được trang trại. Chuyển đổi số rất cần, nhưng việc tổ chức chuyển đổi số như thế nào để hiệu quả, bởi vì nông dân rất đông? Để làm được điều này, rất cần có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, ngành chức năng".
Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), chuyện nông dân tiếp cận công nghệ số không mới, số lượng nông dân đã và đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ngày một tăng, tuy nhiên số đó còn rất nhỏ so với 9,1 triệu nông dân cả nước.
Hạn chế này do nhiều nguyên nhân: Trình độ công nghệ chung thấp; số doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số chưa nhiều, chưa mang tính phổ biến; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ chưa hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề…
"Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa…", ông Thắng cho biết
Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.