Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh người dân háo hức làm cây nêu đón Xuân. Những con đường cây nêu đã điểm tô thêm sắc Xuân cho những vùng quê trở nên lung linh, rực rỡ hơn.
Clip: Người dân tưng bừng dựng cây nêu đón Tết.
Trong không khí hân hoan chuẩn bị đón Tết cổ truyền, những ngày này, người dân khắp các làng quê ở các địa phương như: Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà…(tỉnh Hà Tĩnh) đang tưng bừng dựng cây nêu đón Tết.
Thông thường, cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng chạp. Việc dựng cây nêu ngày Tết để tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Ngoài ra, người xưa quan niệm rằng, trưa ngày 23 đến đêm giao thừa sẽ vắng mặt ông Công ông Táo, ma quỷ thường nhân cơ hội này vào nhà quấy nhiễu. Cây nêu có tác dụng xua đuổi tà ma, giữ cho gia đình êm ấm, hòa thuận, bình an cho gia chủ.
Đang bận rộn làm cây nêu Tết, ông Lê Văn Long, trú tại thôn Tân Hoà, xã Tân Lâm Hương, cho biết: "Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về chúng tôi lại chuẩn bị nêu để đón Tết cổ truyền. Làm cây nêu đón Tết được xem là nét đẹp văn hoá của người dân địa phương.
Theo phong tục truyền thống thì ngày 23 tháng Chạp chúng tôi dựng nêu đến mồng 7 tháng Giêng thì hạ. Tuy nhiên, để tránh thời tiết không thuận lợi chúng tôi đã dựng trước vài ngày để đảm bảo tiến độ cây nêu sáng đẹp.
Nêu được chúng tôi làm bằng cây tre thẳng, đẹp cao từ 15-25m, tuỳ mỗi gia đình. Xung quanh tre được trang trí dây kim tuyến nhiều màu sắc, bóng đèn LED, lá cây đùng đình hoặc lá vạn tuế để trừ tà, tổng chi phí từ 800.000-1.000.000đồng/cây nêu".
Ông Lê Văn Thông, trú tại xã Tân Lâm Hương, đang quấn đèn led vào cây nêu, hồ hởi, nói: "Ngày 23 tháng Chạp hàng năm chúng tôi làm cây nêu đón Tết với mục đích tiễn ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng hình hình làm việc, sinh hoạt của người hạ dưới trong 1 năm qua".
Bên cạnh đó, nhờ ông Táo tâu với bề trên những nguyện vọng, tâm tư của người dân, giúp người dân có sức khoẻ, mưa thuận gió hoà. Ngoài ra, chúng tôi làm cây nêu để có thêm phần không khí chơi Tết".
Bà Nguyễn Thị Lý (người bán cây tre làm nêu tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Hà), cho biết: "Từ ngày 15 tháng Chạp, gia đình tôi đã bắt đầu đi mua cây tre từ huyện Đô Lương (Nghệ An) để về phục vụ cho bà con. Tre chúng tôi bán với giá 130.000-150.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí chúng tôi lãi 50.000 đồng/cây. Thời điểm này, chúng tôi bán được từ 10-15 cây/ngày".