TTVH Online

Trầm cảm sau sinh – "thủ phạm" giết người nguy hiểm

Phong Cầm 06/02/2022 18:45 GMT+7

Liên tiếp 2 vụ án đầu năm khiến 2 người mẹ trẻ và 2 đứa con thơ mất mạng ngay đầu năm mới khiến nhiều người xót xa. "Thủ phạm" ban đầu được nghi là "trầm cảm sau sinh", một kẻ thù nguy hiểm luôn tiềm ẩn nhưng lại thường bị coi nhẹ.

Phụ nữ rất dễ bị trầm cảm sau sinh

Bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, trầm cảm sau sinh là do phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột của các loại hormone như: mất đi hormone nhau thai HCG (tạo điều kiện cho niêm mạc tử cung để thai nhi phát triển).

Ngoài ra, quá trình tiết sữa, cơ thể cũng bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen... Đặc biệt là sự giảm mạnh hormone tuyến giáp, gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. 

Điều này khiến phụ nữ sau sinh thường bị rối loạn cảm xúc, bao gồm hưng cảm, trầm cảm hoặc là lưỡng cực (vừa hưng cảm, vừa trầm cảm). 

Trầm cảm sau sinh – "thủ phạm" giết người nguy hiểm - Ảnh 1.

Có khoảng 8-20% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh (Ảnh minh họa Istockphoto)

Theo Dân Việt đưa tin, ngày 6/2, Công an quận Bình Tân, TP.HCM cho biết đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ 2 mẹ con tử vong tại căn nhà trọ trong hẻm Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.

Trước đó, người chồng sau khi dắt con lớn đi chơi về đã phát hiện vợ chết trong tư thế treo cổ và đứa con thứ 2 mới 7 tháng tuổi chết trong máy giặt. Quá trình cho lời khai với công an, người chồng cũng cho biết, vợ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Thời gian qua do dịch bệnh Covid-19 nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Còn vào ngày 5/2 (mùng 5 Tết), người thân phát hiện bé H.Đ (2 tháng tuổi, xã Hương Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh) tử vong bên vũng máu trong nhà mình, trên cổ xuất hiện vết cắt dài. Theo Dân Việt đưa tin, cơ quan chức năng cho biết, nghi phạm là mẹ đẻ của cháu bé. Người mẹ này cũng có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, thường có hành động bất thường.

Bác sĩ Hoàng Tú Anh – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số CCHIP cũng cho rằng, trầm cảm sau sinh là vấn đề khá nghiêm trọng và khá phổ biến. Hiện Việt Nam chưa có số liệu quốc gia về trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng. Các nghiên cứu trên phạm vi nhỏ cho thấy khoảng 8-20% phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, con số này có thể thấp hơn thực tế rất nhiều vì phụ nữ Việt Nam chịu rất nhiều yếu tố nguy cơ với trầm cảm trong và sau mang thai như bạo lực tinh thần, thiếu được chăm sóc....

"Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ bị bạo hành trong khi mang thai có nguy cơ bị trầm cảm cao sau sinh hơn 6 lần so với phụ nữ không bị bạo hành", bác sĩ Tú Anh cho biết.

Còn về phần tâm lý, phụ nữ mang thai, sinh con gặp nhiều chuyện khiến tâm lý mệt mỏi, căng thẳng như kiêng cữ sau sinh, nghỉ làm dài ngày, ít tiếp xúc, trò chuyện với mọi người, con quấy khóc, thiếu ngủ, không được chồng chăm sóc để cảm thấy sự quan tâm, yêu thương của chồng nên lo lắng chồng ngoại tình, chồng chán ghét mình…

Lý giải thêm về trầm cảm sau sinh, TS-bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết là nguyên nhân quan trọng gây ra những rối nhiễu tâm lý, trầm cảm của người mẹ.

Trầm cảm sau sinh – "thủ phạm" giết người nguy hiểm - Ảnh 3.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường đơn độc đối diện với các vấn đề mà ít được quan tâm, giúp đỡ (Ảnh minh họa Istockphoto)

"Càng phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa càng có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai hoặc trầm cảm sau sinh do chế độ dinh dưỡng kém, ốm yếu, thiếu vi chất. Đồng thời, mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình, áp lực kinh tế cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, các dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa hề đề cập đến vấn đề này" – TS Trần Tuấn cho biết.

Đừng bỏ qua những dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Theo TS Tuấn, nếu các vấn đề trầm cảm của thai phụ không được giải quyết, điều trị thì sau sinh sẽ càng trầm trọng hơn.

"Hậu quả là người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc giết con. Còn nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con, hay đánh con, gây gổ xung đột với chồng và gia đình…" – TS Tuấn nói.

Trầm cảm sau sinh vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của người mẹ và đứa con. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trầm cảm sau sinh không được coi là "vấn đề" cần phải quan tâm, đi khám và điều trị.

Nhiều bà mẹ sau sinh khi thấy mình căng thẳng, mất ngủ, hay suy nghĩ tiêu cực lại cho rằng do mình mệt mỏi vì trông con. Chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình thấy người mẹ gây gổ, biểu hiện khác lạ thì cũng nghĩ chỉ là tình trạng "buồn bực nhất thời" Thậm chí, người nhà còn cho rằng chị em làm mình làm mẩy, quan trọng hoá vấn đề, "làm như mỗi mình mình sinh con"… Chỉ đến khi người mẹ có hành vi làm hại con hoặc tử tự thì mới lo lắng, trách cứ.

PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần TƯ 1 nhận định, trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm nhưng lại chưa được coi trọng. Ông đã từng được 1 phụ nữ mới sinh gọi điện thoại cầu cứu vì luôn ám ảnh ý nghĩ muốn ôm con nhảy lầu.

Nhưng khi ông nói chuyện với người chồng thì anh này lại cho rằng vợ chỉ "nghĩ vớ vẩn" chứ không hề bị bệnh. "Chính những ý nghĩ chủ quan này mà nhiều phụ nữ, trẻ em đã phải mất mạng một cách đau xót", PGS Phương cho biết.

Trầm cảm sau sinh – "thủ phạm" giết người nguy hiểm - Ảnh 4.

Còn tại Việt Nam, trầm cảm sau sinh chưa được quan tâm đúng (Ảnh minh họa istockphoto)

Bác sĩ Tú Anh cho biết, ở các nước phát triển, sử dụng câu hỏi sàng lọc trầm cảm sau sinh là bắt buộc với mọi phụ nữ sau sinh. Các bác sĩ cũng được khuyến cáo hỏi mọi phụ nữ sau sinh về việc họ đã từng có ý định tự tử hay đã từng có ý định gây hại cho con chưa. 

Từ đó để đưa ra lời khuyên hoặc cách điều trị nếu nhận thấy phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Như vậy sẽ kịp thời ngăn chặn những sự việc đáng tiếc đối với sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé. 

Một nghiên cứu của RTCCD trên 500 thai phụ ở Hà Nam (45,6% là nông dân) cho thấy, có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỷ lệ này còn gần 29%.

Trong khi đó, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động khoảng 12-15%.

Các rối loạn tâm thần này có thể nghiêm trọng hơn sau sinh nếu như không được giúp đỡ, điều trị kịp thời.

Các rối loạn cảm xúc mà các bà mẹ thường gặp như buồn bực, cảm thấy tội lỗi, chán nản, tự ti, giảm tập trung, khó chịu, lo lắng quá mức, cảm thấy lạc lõng, cô lập, tuyệt vọng.

Diệu Linh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN