Cùng đứng trước cái chết của hai vị tướng đi theo mình, vì sao Gia Cát Lượng có trạng thái khác nhau đến vậy?
Gia Cát Lượng được coi là một trong những nhân tài hiếm có thời Tam Quốc. Vị quân sư này hết lòng phò tá Lưu Bị, cống hiến cả cuộc đời cho nước Thục. Chính lòng trung thành và sự khôn ngoan đã mang lại danh tiếng cho Gia Cát Lượng trong thời Tam Quốc.
Những hành động của Gia Cát Lượng đôi khi khó ai có thể lý giải được. Một trong số đó chính là thời điểm khi Gia Cát Lượng chứng kiến Triệu Vân và Trương Bào qua đời. Triệu Vân chết, Gia Cát Lượng chỉ khóc thương, nhưng khi con trai Trương Phi là Trương Bào chết, ông lại đau đớn đến mức nôn cả ra máu?
Nhắc đến Triệu Vân, đây chính là vị tướng mạnh mẽ, luôn xông pha chiến trận, hết lòng trung thành với Lưu Bị. Theo Tam Quốc diễn nghĩa mô tả, Triệu Vân có đóng góp rất lớn cho Thục Hán và trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu. Từ lúc theo Lưu Bị cho đến khi qua đời, Triệu Vân đã làm việc với Gia Cát Lượng trong 20 năm. Một con số đủ để chứng minh vai trò của ông đối với Gia Cát Lượng.
Năm 229, lúc này Triệu Vân đã lớn tuổi, ông không còn dẫn quân đi đánh trận và việc đứng trước sinh, lão, bệnh, tử là điều khó tránh khỏi. Gia Cát Lượng cũng đã dự liệu trước được việc này. Tuy nhiên, khi hay tin Triệu Vân qua đời, Gia Cát Lượng vẫn không khỏi khóc thương Triệu Vân vì Thục Hán mất đi một người tài và ông cũng mất đi cánh tay phải.
Khác hẳn với Triệu Vân ở những năm cuối cuộc đời thì Trương Bào lại đang ở thời kỳ cực thịnh. Thời điểm Thục Hán còn ít tướng lĩnh, Trương Bào trở thành trụ cột của quân Thục và là nhân vật chủ chốt trong công cuộc phục hưng nhà Hán.
Cùng với đó, Gia Cát Lượng đã già, ông không tự tin mình còn đủ sức khỏe để tiếp tục quân sư chiến lược. Do đó, ông đã đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng đến người con trai của Trương Phi. Cũng vì đặt kỳ vọng quá lớn nên khi hay tin Trương Bào qua đời, Gia Cát Lượng quẫn trí, nôn ra máu tại chỗ và ngất đi.
Ngoài những nguyên nhân này, một lý do khác chính là sức khỏe của Gia Cát Lượng ngày càng sa sút. Trương Bào mất trong bối cảnh Thục Hán thiết hụt nhân tài. Hơn nữa, vì lo lắng lại thêm sức lực ngày càng hao kiệt nên Gia Cát Lượng mới đến mức nôn ra cả máu.