TTVH Online

Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT kết nối với 300 kiều bào, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp

Phong Cầm 14/02/2022 16:48 GMT+7

Hôm nay, 14/2, lần đầu tiên Bộ NNPTNT tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp. Theo Bộ NNPTNT, thời điểm hiện tại là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam.

300 kiều bào sẽ tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư ngành nông nghiệp

Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Bộ NNPTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức vào 19h ngày 14/2 tại trụ sở Bộ NNPTNT, với sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Được biết, đây là Diễn đàn đầu tiên của ngành nông nghiệp với đội ngũ kiều bào trong và ngoài nước.

Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Diễn đàn được Bộ NNPTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm tri ân sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Đặc biệt, Diễn đàn mong bà con kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu; giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng, xã một sản phẩm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng mong muốn bà con là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững, thành trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Lần đầu tiên Bộ NNPTNT kết nối đầu tư nông nghiệp với các Việt kiều - Ảnh 1.

Sản xuất rau công nghệ cao tại Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm trên địa bàn ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tư Giang.

Thời điểm vàng để thu hút đầu tư nông nghiệp của kiều bào

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), thời điểm hiện tại là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam. 

Bởi lợi thế mà 15 hiệp định thương mại tự do mang lại… giúp mở rộng cánh cửa thị trường đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đó là điều kiện rất tốt để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

"Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong gần 30 năm qua, tổng lượng kiều hối đưa về nước khoảng 250 tỷ USD, trong khi đó, tổng nguồn vốn FDI cũng chỉ khoảng 290 tỷ USD.

Chắc chắn rằng, khi lượng kiều hối đã lớn như vậy thì nguồn lực đầu tư kinh doanh của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài còn lớn hơn thế rất nhiều lần. 

Nhưng cho đến nay, tổng số vốn đầu tư của kiều bào ở trong nước mới chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là còn một lượng vốn khổng lồ của bà con đang đầu tư ở nước ngoài mà chưa đầu tư trong nước.

Nếu tìm cách khơi dậy được dòng vốn này, cộng với trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản trị và mạng lưới tiếp thị của cộng đồng kiều bào ở 130 quốc gia trên thế giới, thì sẽ tạo ra động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước, không thua kém nhiều so với khu vực FDI.




K.Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN