TTVH Online

Nhiều doanh nghiệp "họ" Hoàn Cầu gánh nợ khổng lồ, kinh doanh ảm đạm - Lực đã dồn cho "game" Eximbank?

Phong Cầm 18/02/2022 10:30 GMT+7

Các doanh nghiệp "họ" Hoàn Cầu có bức tranh tài chính khá ảm đạm khi liên tục thua lỗ và gồng gánh khoản nợ phải trả "khổng lồ" không tương xứng với nguồn lực. Đổi lại cuộc chiến giành quyền kiểm soát tại Eximbank của nhà Hoàn Cầu bước đầu có kết quả sau gần 5 năm theo đuổi.

Ngày 17/2, Hội đồng quản trị Eximbank vừa họp bầu Chủ tịch HĐQT. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, ngoài việc tự đề cử vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, bà Tú còn nhận được sự ủng hộ của CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) và 5 cổ đông cá nhân khác.

Hệ sinh thái Hoàn Cầu tại Eximbank: Gánh núi nợ khổng lồ, kinh doanh tụt dốc - Ảnh 1.

Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc ngân hàng Nam Á trước khi về đầu quân tại Eximbank. Ảnh: T.M.

Bên cạnh đó, như đã đề cập "Hé lộ mối quan hệ "bất ngờ" giữa Bamboo Capital và Tập đoàn Hoàn Cầu", Công ty Cổ phần Rồng Ngọc, cổ đông đang nắm giữ 24% cổ phần tại BMSC cùng nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tập đoàn Hoàn Cầu đã thành công trong việc đưa bà Đỗ Hà Phương (sinh năm 1984) vào HĐQT Eximbank. Nếu tính cả thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Hùng (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital), nhóm Hoàn Cầu chiếm được đa số ghế trong HĐQT của Eximbank.

Cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank dường như đã khép lại với phần chiến thắng thuộc về nhóm Hoàn Cầu. Tuy nhiên, ở thái cực khác, bức tranh tài chính của nhiều doanh nghiệp trong nhóm Hoàn Cầu, cả những doanh nghiệp đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu Eximbank không mấy sáng sủa từ năm 2016 trở lại đây.

12.000.000 cổ phiếu BMS thành tài sản thế chấp tại Nam A Bank

Công ty Cổ phần Rồng Ngọc được thành lập ngày 14/7/2016, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 21/6/2018, vốn điều lệ của Rồng Ngọc ở ngưỡng 850 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Năm đầu tiên sau khi thành lập, Rồng Ngọc không ghi nhận doanh thu. Trong 3 năm đầu thành lập, Rồng Hồng Ngọc ghi nhận lợi nhuận âm liên tiếp.

Hệ sinh thái Hoàn Cầu tại Eximbank: Gánh núi nợ khổng lồ, kinh doanh tụt dốc - Ảnh 2.

Biểu đồ: Quang Dân.

 3 năm đầu tiên Rồng Ngọc ghi nhận lỗ lần lượt 33 triệu đồng (năm 2016), -106 triệu đồng (năm 2017), - 606 tỷ đồng (năm 2018), doanh nghiệp bắt đầu có lãi 7,4 tỷ đồng năm 2019 và 5,7 tỷ đồng năm 2020.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh nói trên "khá khiêm tốn" khi đặt cạnh quy mô về vốn cũng như tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Rồng Ngọc 1.327 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 862,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vào ngày 30/12/2020, 12.000.000 cổ phiếu Công ty CP Chứng Khoán Bảo Minh (Mã: BMS) thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Rồng Ngọc đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Rồng Ngọc tại Ngân Hàng TMCP Nam Á.

Ngoài ra, toàn bộ giá trị Quyền tài sản đối với phần vốn góp của Rồng Ngọc vào Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An; 15.580.000 cổ phần do Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Golf Long An phát hành thuộc sở hữu của Công Ty Cổ Phần Rồng Ngọc cũng được Rồng Ngọc thế chấp cho các khoản vay của mình ở Nam Á Bank.

"Núi nợ" khổng lồ của doanh nghiệp á hậu Dương Trương Thiên Lý

Hệ sinh thái Hoàn Cầu tại Eximbank: Gánh núi nợ khổng lồ, kinh doanh tụt dốc - Ảnh 3.

Biểu đồ: Quang Dân.

Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL được thành lập 8/8/1991. Tính đến 5/9/2019, vốn điều lệ Hoàng Gia ĐL ở ngưỡng 848 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm bà Dương Trương Thiên Lý sở hữu 78%, Nguyễn Thị Kim Phượng sở hữu 11% và 11% còn lại do ông Nguyễn Hoàng Vũ nắm giữ.

Đáng nói, lợi nhuận Hoàng Gia ĐL liên tục lao dốc, khiến doanh nghiệp gánh số lỗ lũy kế lên đến hơn 400 tỷ đồng chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020.

Việc thua lỗ liên tiếp khiến vốn chủ sở hữu Hoàng Gia ĐL tính đến cuối năm 2020 âm 360 tỷ đồng. Chưa kể, doanh nghiệp gánh khoản nợ phải trả xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

Điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh tài chính của Hoàng Gia ĐL, chính là việc công ty này sử dụng rất nhiều quyền khai thác tài sản, lợi tức.. hình thành trên các lô đất vàng tại Đà Lạt để thế chấp cho các khoản vay của mình tại ngân hàng.

Đơn cử, ngày 30/12/2021, Hoàng Gia ĐL đã đảm bảo khoản vay của mình tại Nam Á Bank khi sử dụng toàn bộ lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liến với đất tại thửa đất số 334, tờ bản đồ số 3 (C70-IV), Biệt thự 27A và 27B, phường 10, TP. Đà Lạt.

Thửa đất số 1, tờ bản đồ số C70-I-C, Khu đất Đồi Cù, phường 1, TP. Đà Lạt; Thửa đất số 98, tờ bản đồ số 6 (D93-II-B-b), KS Novotel đường Trần Phú phường 3, TP. Đà Lạt.; Thửa đất số 01, tờ bản đồ số 20 (D94-I-A), KS Palace đường Trần Phú, phường 3, TP. Đà Lạt.

Hệ sinh thái Hoàn Cầu tại Eximbank: Gánh núi nợ khổng lồ, kinh doanh tụt dốc - Ảnh 5.

Biểu đồ: Quang Dân.

Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2020, Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, có kết quả kinh doanh không ổn định, lỗ lãi đan xen nhau. Cho đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế đang bào mòn vốn điều lệ của Hoàn Vũ Sài Gòn.

Một phần về bức tranh tài chính của Hoàn Vũ Sài Gòn, đã được Dân Việt bài viết “Bất ngờ” với năng lực tài chính của “ông chủ” Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.



Quang Dân
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN