TTVH Online

Hà Nội F0 tăng cao kỷ lục, còn ai đi bộ Hồ Gươm?

Phong Cầm 28/02/2022 09:30 GMT+7

Hà Nội lập đỉnh dịch với số ca mắc Covid-19 hơn 10.000 ca nhiễm/ngày. Thói quen cùng gia đình hay bạn bè lên phố đi dạo Hồ Gươm của nhiều người vì thế mà cũng ảnh hưởng đáng kể, kéo theo các hàng quán, những người buôn bán nơi đây gặp muôn vàn khó khăn.

Sáng 27/2, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, mặc dù là cuối tuần nhưng không đông người dân đi dạo phố. Các nhà hàng, quán cà phê lác đác một vài người. Xe điện nằm dài tại bến vì không có khách. Nhiều người buôn bán đều trong tình trạng ế ẩm. 

Nếu như bình thường vào các dịp cuối tuần khu vực này thường chật kín người qua lại thì hiện tại lượng người đổ về các tuyến phố này đã giảm nhiều. Dịch bệnh căng thẳng, các ca mắc Covid-19 liên tục lập đỉnh khiến nhiều người dân có tâm lý lo ngại, sợ đến những nơi tập trung đông người. 

F0 tăng cao kỷ lục, nhưng vẫn có một bộ phận người dân dạo phố dịp cuối tuần ở Hồ Gươm để cân bằng cuộc sống. Video: Doãn Nhàn

Dịch bệnh căng thẳng, người dân vừa đi chơi vừa sợ

Khu vực tượng đài Lý Thái Tổ vốn được biết đến là nơi tập trung vui chơi của người dân nhưng sáng nay, cũng chỉ có vài gia đình đưa các em nhỏ ra ngoài vui chơi. Bà Đỗ Thị Hiền (55 tuổi) cho biết “Đi chơi thì cũng sợ dịch đấy nhưng từ Tết đến giờ tôi mới dám cho cháu ra ngoài chơi. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, tôi đeo khẩu trang cho cháu và thỉnh thoảng rửa tay sát khuẩn để bảo đảm an toàn”. 

Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng nên hồ Gươm không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây.

Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng nên hồ Gươm không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây. Ảnh: Doãn Nhàn

Mặc dù mang tâm lý lo sợ dịch bệnh nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh việc cho trẻ ra ngoài vẫn khá cần thiết. Chị Nguyễn Như Quỳnh (30 tuổi) quyết định đưa 2 con đi chơi dịp cuối tuần sau một thời gian dài cảm thấy khá “bí bách” vì phải ở nhà chống dịch. 

“Dịch thì đương nhiên ai chẳng sợ nhưng các con phải ở trong nhà lâu cũng không tốt. Chưa kể thời gian học trực tuyến quá lâu cũng khiến tâm lí các con bị ảnh hưởng ít nhiều. Ra ngoài để hít thở không khí, nhân tiện mình cho 2 bé tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe”. Để đảm bảo an toàn, chị Quỳnh nhắc nhở các con đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người. “Mình luôn giám sát các bé và chỉ cho các con chơi ở quanh đây thôi, cũng không cho các con tiếp xúc với người lạ”. 

Theo quan sát, hầu hết các tuyến đường quanh phố đi bộ như Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Lê Thái Tổ, Đinh Liệt,.. vô cùng vắng vẻ người dạo chơi. Một số dịch vụ thuê xe xích lô, vẽ ký họa, bán hàng rong rơi vào tình trạng ế khách hoặc không còn xuất hiện. Ở một số khu vực vốn tập trung đông người như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nay cũng rất “đìu hiu”. 

Tranh thủ ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa con đi dạo chơi để thay đổi không khí

Tranh thủ ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa con đi dạo chơi để thay đổi không khí. Ảnh: Doãn Nhàn

Vừa đeo khẩu trang vừa trượt patin, bé Ngô Phương Trinh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trưng Vương cho biết: “Em ra ngoài chơi nhưng không sợ dịch bệnh. Vì mọi người đã được tiêm đầy đủ và nếu ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thì cũng giảm nguy cơ mắc bệnh”. 

Dù rất ít người qua lại nhưng lực lượng chức năng vẫn tổ chức nhiều xe tuần tra xung quanh, dựng nhiều pano, áp phích tuyên truyền về phòng chống dịch để người dân tuân thủ quy định 5K của Bộ y tế. 

Người bán hàng “mòn mỏi” đứng trông khách

Đã gần 11 giờ trưa nhưng bác Lương Văn Nghị (65 tuổi) vẫn chưa có khách mở hàng. Chạy xe xích lô đã hơn 10 năm ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ việc kiếm miếng cơm khó khăn như những năm gần đây. Đứng chào mời dòng người qua lại nhưng mãi không có ai đi xích lô, bác Nghị buồn rầu: “Bác đứng đây hơn 2 tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa có khách mở hàng. Dạo này ế ẩm lắm cháu ạ. Dịch bệnh thế này khách du lịch đi lại cũng ít. Bác chỉ mong có khách đi xe để đủ tiền cơm qua ngày thôi!”.

Đã 11 giờ trưa nhưng bác Nghị vẫn chưa có vị khách nào mở hàng.

Đã 11 giờ trưa nhưng bác Nghị vẫn chưa có vị khách nào mở hàng. Ảnh: Doãn Nhàn

Cũng chung cảnh ế ẩm, bác Đinh Quốc Sơn (57 tuổi) là thợ chụp ảnh dạo ở hồ Gươm. Những năm gần đây nghề chụp ảnh dạo ngày càng khó khăn. Lăn lộn với nghề đã gần 30 năm nay, bác Sơn trầm ngâm: “Bây giờ người dân có điều kiện, ai cũng có máy ảnh hoặc dùng máy điện thoại chụp cho nhau. Mấy năm nay kiếm ăn ngày càng khó khăn, lại thêm dịch bệnh nên cũng chẳng được bao nhiêu”.

Mong “có đồng ra đồng vào, đủ cơm cháo qua ngày” là ước muốn giản dị của bác Sơn trong những ngày Hà Nội dịch bệnh căng thẳng. Từ ngày phố đi bộ đóng cửa, cô Bùi Thị Lan (60 tuổi) chuyển hàng bán đồ chơi sang khu tượng đài Lý Thái Tổ để bán. Gánh hàng nhỏ với súng bắn bong bóng, bóng bay,... giúp cô Lan có thêm thu nhập khi đã về hưu. 

Hàng quán ế ẩm là tình trạng chung của nhiều người bán hàng rong tại hồ Gươm trong những ngày dịch bệnh căng thẳng hiện nay.

Hàng quán ế ẩm là tình trạng chung của nhiều người bán hàng rong tại hồ Gươm trong những ngày dịch bệnh căng thẳng hiện nay. Ảnh: Doãn Nhàn

“Dịch bệnh thế này đi bán cô cũng lo chứ, nhưng không đi bán thì lấy tiền đâu mà ăn. Mở hàng cả sáng mà mới bán được 2 cái súng nước, lấy công bỏ làm lời chứ chả được bao nhiêu. Chỉ mong có sức khỏe, không bị nhiễm bệnh để còn đi bán. Ngồi nhìn mấy đứa trẻ vui chơi cô cũng vui lây!”, cô tâm sự.

Tình hình F0 được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Tình hình F0 được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Hồng Ngọc

Hàng quán ế ẩm, phố đi bộ thưa thớt người dịp cuối tuần dường như đã trở thành khung cảnh quen thuộc trước tình hình dịch giã căng thẳng ở Hà Nội và dự báo F0 sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Hồng Ngọc - Doãn Nhàn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN