Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều trạm y tế ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, gặp khó khăn về tài chính, nợ tiền điện, nước và các chi phí sinh hoạt trong thời gian dài.
Bình Dương là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các trạm y tế tại các xã, phường có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là những đợt cao điểm.
Tuy nhiên, khi dịch cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh Bình Dương bước sang trạng thái bình thường mới, an toàn thích ứng với dịch, nhiều trạm y tế ở TP Thuận An rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, kinh phí hoạt động.
Nguyên nhân, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội vào tháng 6/2021, chi phí của các trạm y tế cấp phường có đông người lao động ở TP Thuận An đều tăng, đặc biệt là ở các phường phải "khoá chặt, đông cứng".
Các khoản tiền để chi trả cho hoạt động của các trạm y tế cấp phường bị vượt quá số kinh phí được cấp. Điều này khiến các trạm y tế thiếu kinh phí hoạt động trong bối cảnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn nhiều cam go, phức tạp.
Theo phản ánh của Phòng khám đa khoa khu vực An Phú (phường An Phú, TP. Thuận An - một trong những đơn vị y tế cấp phường gặp khó khăn), đến thời điểm này, phòng khám vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng các khoản như tiền điện, nước, tiền điện thoại, tiền thuê bảo vệ, hộ lý, tiền văn phòng phẩm từ tháng 9 đến tháng 12/2021.
Khi chuyển qua cơ sở mới (mượn trường học mầm non), Phòng khám đa khoa khu vực An Phú gặp thêm nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.
Bác sĩ Lê Duy Linh – Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực An Phú cho biết, việc nợ các khoản tiền trên do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, dịch bùng phát làm tăng chi phí điện thoại, có tháng lên tới 3 triệu đồng - cán bộ y tế phải liên tục gọi điện cho các trường hợp F0, F1, F2 để xác minh, giám sát ca bệnh.
Ngoài ra, số nhân viên phòng khám, trạm y tế lưu động, tình nguyện viên... đều sinh hoạt 24/24 tại đây trong thời điểm chống dịch cũng làm tăng chi phí tiền điện, nước, có tháng lên tới 5 triệu đồng. Trong khi chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng thì nguồn thu của Phòng khám đa khoa khu vực An Phú lại không có vì phải tạm ngưng để tập trung chống dịch.
Đến đầu năm 2022, dịch tạm ổn, Phòng khám đa khoa khu vực An Phú tổ chức lại các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân và người lao động thì đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như không đủ phòng để hoạt động, thậm chí không có bảng hiệu...
Lãnh đạo UBND phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, số tiền được cấp chưa đủ cho các đơn vị y tế cấp phường hoạt động, do đó cần tăng lên trên 100 triệu đồng/năm thì mới đủ để duy trì hoạt động.
Xác nhận với báo chí, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận có vấn đề này đang xảy ra tại 10 trạm y tế phường ở TP. Thuận An.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, kinh phí hoạt động để cấp cho các trạm y tế cơ sở trong bối cảnh dịch bệnh không đủ trang trải. Ngành y tế đang đề xuất UBND tỉnh Bình Dương giải quyết các vấn đề tài chính để cho các trạm y tế hoạt động hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP. Thuận An xác nhận, những khó khăn của các trạm y tế phường, Phòng khám đa khu vực An Phú là có thật.
Ông Tâm cho biết, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương, mỗi trạm y tế cấp phường chỉ được cấp kinh phí hoạt động 55 triệu/năm. Năm 2021, tình hình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, các trạm y tế không thể tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân mà tập trung vào công tác chống dịch nên không có nguồn thu.
Hiện nay, trước những khó khăn mà các trạm y tế đang gặp phải, UBND TP Thuận An đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Thuận An, ứng kinh phí dự phòng để trả những khoản chi phí mà các trạm y tế trên địa bàn thành phố đang còn thiếu.
Đồng thời, về lâu dài UBND TP Thuận An đã có kiến nghị với tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cho các trạm y tế trở lại hoạt động hiệu quả, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cần dành nguồn tài chính lớn hơn cho chi phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị y tế cấp phường, xã.