Kể từ ngày bước sang giai đoạn thứ 4 (tính từ ngày 27/04/2021), số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 không ngừng tăng cao khiến Việt Nam liên tục thay đổi các biện pháp chống dịch.
Đến thời điểm hiện nay, theo như đánh giá chung, các ý kiến tiếp tục khẳng định tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Số ca nhiễm có xu hướng gia tăng (khoảng 50.000 – 75.000 ca mỗi ngày) nhưng số ca chuyển nặng giảm rõ và đặc biệt số ca tử vong giảm rất sâu, từ khoảng 1% tổng số nhiễm giảm xuống còn 0.2% sau khi triển khai mạnh mẽ công tác tiêm bổ sung cho nhiều đối tượng và tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Những văn bản chỉ đạo của nhà nước nhằm chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết 128/ NQ-CP đưa ra chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Trong Quý I năm 2022, số ca mắc trong cộng đồng còn tăng cao trên phạm vi cả nước, tuy nhiên, số ca chuyển nặng giảm rõ và đặc biệt số ca tử vong giảm sâu theo Báo cáo của Bộ Y tế được trình trong Phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ Đạo Quốc gia phòng, chống COVID -19 ngày 05/3/2022.
Về hoạt động tiêm chủng tính đến ngày 9/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 liểu vaccine phòng COVID-19, thực hiện tiêm chủng hơn 198,9 triệu liều (Báo cáo bộ Y tế) ; trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; Mũi 2 là 67.698.132 liều; Mũi 3 là 1.501.013 liều; Mũi bổ sung là 14.285.241 liều; Mũi nhắc lại là 26.870.428 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.035.121 liều: Mũi 1 là 8.744.389 liều; Mũi 2 là 8.290.732 liều.
Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những chiến dịch phòng chống dịch được Việt Nam thực hiện quyết liệt, là nền tảng cho việc bình thường mới. Tiêm phòng COVID-19 làm giảm tỷ lệ ca nhiễm chuyển nặng, và là phương pháp hiệu quả nhất. Trong thời gian sắp tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tiêm chủng vaccine, rà soát người chưa được tiêm chủng/ chưa được tiêm đủ liều cơ bản hoặc không thể đến cơ sở tiêm chủng để tiêm bù…
Về công tác điều trị, chúng ta tiếp tục linh hoạt kết hợp hài hòa giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà, kiểm soát rủi ro. Trên diện rộng, nhà nước kết hợp với từng tỉnh, thành quản lý chặt chẽ số ca nhiễm và đánh giá cấp độ dịch theo các 4 cấp độ, từ đó chủ động điều chỉnh phương án chống dịch nhằm phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương. Các thông tin về tình hình dịch bệnh, cấp độ dịch hay phương án chỉ đạo phòng chống dịch của từng địa phương được Nhà nước ta chủ động công khai, minh bạch trên các cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế cũng như các địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị Quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình". Chỉ thị này được cho là quyết sách của Nhà nước nhằm tạo thêm động lực, sức bật cho nền kinh tế vào năm 2022. Các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp; hay việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực… là phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm sử dụng nguồn lực tối đa mà nhà nước đang thực hiện quyết liệt ngay trong Quý I năm 2022. Theo Bộ KH&ĐT, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tác động trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế xã hội quý đầu tiên.
Trong Quý I năm 2022 phải thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị Quyết chủ yếu gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉnh phủ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan quy định tại Nghị quyết này; trường hợp cần thiết, chủ động, kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định 92/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19; hay Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022… đều đem lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Thời gian qua, tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm số lượng nhân công, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động ngừng việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 1.4 triệu người thất nghiệp trong năm 2021. Trong đợt dịch lần thứ 4, nhà nước ta tiếp tục ra nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt quan tâm chăm lo những người gặp khó khăn trong vùng dịch, cũng như các đối tượng thuộc tầng lớp "yếu thế" trong xã hội. Trong Quý I năm 2022, Nhà nước tiếp túc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác triển khai thực hiện, tính đến ngày 21/1/2022, chương trình triển khai theo hai Nghị quyết nêu trên đã hỗ trợ 36,3 nghìn tỷ đồng cho 31,3 triệu lượt người và 378,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động và hộ kinh doanh. Triển khai từ tháng 7 năm 2021 đến nay, với điều kiện khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách, việc thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và 126 đem lại hiệu quả rất thiết thực và được dư luận xã hội, người lao động, đơn vị sử dụng lao động đồng tình cao.
Cùng với đó, nhiều quyết định quan tâm đến những người tham gia tuyến đầu chống dịch như Nghị quyết 12/2021/NQ-UBTVQH15 quy định chế độ chính sách (tiền lương, phụ cấp,…) đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 hay Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được ban hành kịp thời.
Những biện pháp trên đóng vai trò quan trọng trong công tác chống dịch cũng như hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh dịch Covid mới hiện nay.