64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày này 34 năm trước. Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, góp xương máu của mình cho Tổ quốc trường tồn.
14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức với hải quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở đảo Gạc Ma, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Họ ngã xuống như những biểu tượng bất diệt cho ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
34 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức bi tráng ở Gạc Ma vẫn khiến những người trong cuộc không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc đến.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng - là những người như thế.
Nhắc về Gạc Ma, nói về Gạc Ma lúc này, theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, trong tâm trí ông vẫn nhìn nhận một điều, đó không phải là một cuộc hải chiến giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc.
Vị Chuẩn Đô đốc Hải quân chia sẻ, thời điểm đó ông là Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân, trong kế hoạch bảo vệ Trường Sa của ta, không có kế hoạch đánh nhau với hải quân Trung Quốc.
"Tôi nói rằng, đó là một cuộc thảm sát của một bộ phận lính hải quân Trung Quốc hung hăng, vô nhân tính. Họ đã giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ của hải quân chúng ta. Không có một cuộc hải chiến nào cả" - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhìn nhận.
Để lý giải cho nhận định của mình, vị nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân phân tích, thứ nhất hải chiến phải có tàu chiến tham gia, chúng ta không có một tàu chiến nào lên Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, chỉ có 2 tàu vận tải HQ-604 và HQ-605, 2 tàu này cũng đã từng tham gia "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, khi chúng ta cắm cờ lên đảo Gạc Ma, phía lính hải quân Trung Quốc lên nhổ cờ của ta. "Ta bảo vệ cờ, giữa hai bên, một bên bảo vệ và một bên cướp đã xảy ra xô xát bằng tay không. Họ sẵn sàng dùng tiểu liên, đứng xa bắn xả vào cán bộ, chiến sĩ công binh của chúng ta, không có chút nhân tính nào cả" - vị Chuẩn Đô đốc Hải quân nói.
Tiếp sau đó, 2 tàu chiến của họ đậu ở phía ngoài Gạc Ma cũng xả súng máy bắn cán bộ, chiến sĩ của chúng ta trên đảo Gạc Ma; nã pháo vào 2 tàu vận tải khiến 2 tàu bị chìm, các cán bộ, chiến sĩ ở trên đó số thì tử thương, số thì rơi xuống biển, 9 cán bộ, chiến sĩ bị bắt làm tù binh.
"Rõ ràng đây là một cuộc thảm sát vô nhân tính. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta lên đảo Gạc Ma cũng không bắn một phát súng nào vào hải quân Trung Quốc. Sự kiện đó tôi nhớ mãi, cứ mỗi lần nhắc đến thực sự căm thù, thực sự khắc cốt, ghi tâm với hành động mà bộ phận hải quân Trung Quốc rất hiếu chiến, hung hãn đã gây ra với cán bộ, chiến sĩ của ta" - nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân Lê Kế Lâm xúc động.
Đánh giá về tương quan lực lượng trong cuộc chiến đó, rõ ràng đó là một cuộc chiến không cân sức giữa 64 chiến sĩ của ta với lực lượng của địch, nhưng các chiến sĩ vẫn anh dũng chiến đấu, quyết tâm đến hơi thở cuối cùng cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, theo ông Lê Kế Lâm, đó là truyền thống của con người Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, chưa lúc nào quân và dân ta chùn bước trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Kẻ thù dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu cuối cùng cũng đều phải kiêng nể trước ý chí quật cường của chúng ta.
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó luôn luôn chảy trong huyết quản của mọi người. Dù cho họ ở đâu, khi Tổ quốc lâm nguy sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Khi đất nước bị xâm phạm, truyền thống bảo vệ danh dự, chủ quyền của dân tộc luôn luôn được khơi dậy, đặc biệt với người lính Cụ Hồ. Họ dũng cảm, họ không sợ chết, họ quyết tâm bảo vệ từng mảnh đất, từng thước đảo của Tổ quốc. Họ sẵn sàng ngã xuống để Tổ quốc mãi mãi trường tồn" - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân bồi hồi.
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, hơn một tháng sau khi sự kiện Gạc Ma xảy ra, ngày 7/5/1988 (ngày kỷ niệm thành lập Hải quân Việt Nam), Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ra Trường Sa và cùng với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đọc lời thề quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc ngay tại Trường Sa Lớn.
"Lời thề đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ, quân và dân ta, quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời, lịch sử đã chứng minh. Chúng ta có đủ các bằng chứng và lịch sử đã chứng minh cả Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ.
Nhắc đến những diễn biến mới trên Biển Đông, vị Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam nhìn nhận, việc diễn tập quân sự của mỗi nước thuộc về chủ quyền nội bộ của họ. Nước nào cũng diễn tập quân sự, tuy nhiên phải đúng với luật pháp quốc tế, đúng với hiện trạng của khu vực. Các bên cần tôn trọng chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nói về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Lê Kế Lâm nhấn mạnh, việc này Đảng ta rất quan tâm. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển, đảo.
"Tổng Bí thư đã nói rồi, giữ nước là phải từ xa, giữ nước là phải rất sớm. Tôi thêm lên là giữ nước là phải toàn diện. Trong lúc thời bình này, chúng ta cũng không thể lơ là, chủ quan, chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị tất cả các phương án để sẵn sàng ứng phó trước các diễn biến mới. Xây dựng kinh tế, tiếp tục hết sức quan tâm đến phát triển công nghiệp quốc phòng để có thực lực, tiềm lực mạnh" - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nêu quan điểm.