Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc doanh nghiệp, thương nhân xăng dầu đã thực hiện đúng việc dự trữ xăng dầu theo quy định 20 ngày chưa?!
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đều đặt vấn đề về dự trữ xăng dầu với Bộ trưởng Công Thương tại phiên chất vấn hôm nay 16/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Ngân Sinh (An Giang) cho hay, quy định của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đòi hỏi thương nhân đầu mối phải có dự trữ ít nhất bằng mức cung ứng 20 ngày. “Thế nhưng vừa qua các đại lý nói rất khó mua, họ thường xuyên phải mua với lượng ít khiến chi phí vận chuyển cao. Vậy không rõ việc thực hiện dự trữ đã theo quy định chưa?”, ông Sinh nói.
Tương tự, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) thì đặt vấn đề “việc không dự trữ có phải là nguyên nhân bất bất ổn vừa qua” và hỏi Bộ Công Thương về quan điểm hướng xử lý đối với vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Chúng ta có dự trữ nhưng số lượng ít, chỉ đáp ứng nhu cầu 5 - 7 ngày. Nhưng nguồn này chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt, chứ không tung ra trong hoàn cảnh như hiện nay”, ông Diên khẳng định và cho biết “sẽ tham mưu nâng mức dự trữ này lên, để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ 1 - 2 tháng” bởi thực tế với biến động tình hình vừa qua thì phải vài tháng mới bớt căng thẳng.
Đồng quan điểm với sự băn khoăn của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu vấn đề: Hiện nay, 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa phải dự trữ lưu thông doanh nghiệp, vừa có nhiệm vụ dự trữ lưu thông quốc gia và làm dự trữ quốc gia thì được hưởng ngân sách từ việc bảo quản xăng dầu.
Do đó, các doanh nghiệp đầu mối này có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải thích rõ vấn đề này.
Lý giải những băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu về dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối, ông Diên cho rằng “cũng là xăng ấy, để ở kho ấy thì thật sự là ẩn số” và cho biết chắc chắn sẽ kiến nghị để sớm tách bạch dự trữ dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Diên, nếu sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thì việc vận hành sẽ tốt hơn.
Về dự trữ xăng dầu quốc gia, sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước 1,8-2 triệu m3, tấn một tháng. Quy định dự trữ quốc gia hiện có đủ lượng dự trữ dùng 5-7 ngày.
"Cơ chế hiện nay xăng dầu phải có dự trữ quốc gia, nhưng quốc gia chưa có hệ thống kho riêng, vì thế giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp đầu mối", Bộ trưởng Diên cho hay.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia, và nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
Lý giải về việc các cây xăng không bán ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng giải thích: "Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có găm hàng chờ tăng giá hay không, có thể có. Chiết khấu xăng dầu về 0 thì người bán hàng sẽ không bán hàng ra do không có lời".
Đối với vấn đề các doanh nghiệp có dự trữ xăng dầu quốc gia hay không? Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại.
Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý hay không. Đồng thời, Bộ trưởng Phớc cho rằng: "Đây là lỗ hổng cần có giải pháp khắc phục".
Về giải pháp tháo gỡ lỗ hổng quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia, Bộ trưởng Phớc cho hay: "Có thể tới đây lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay".