"Nghệ sỹ sẽ là người truyền cảm hứng cho khán giả. Khán giả càng ngày càng ít mặn mà với nhạc cụ truyền thống, đơn giản là vì càng ngày càng ít người chơi nhạc cụ truyền thống" - nghệ sĩ Thắng Trần chia sẻ.
Thắng Trần năm nay 36 tuổi, anh là tay guitar bass kỳ cựu trong ban nhạc Hạc San với gần 10 năm làm nghề và có mặt trên hàng loạt sân khấu lớn. Có điều kiện tiếp cận với nhiều thiết bị âm nhạc hiện đại, nhưng người nghệ sĩ này lại khao khát tìm hiểu và khám phá những đặc tính, đặc trưng trong các loại nhạc cụ truyền thống của người Việt.
Thắng Trần bắt đầu hành trình đó bằng việc tự tập thổi sáo và tiêu, sau đó, anh tập chơi đàn bầu, đàn nhị, đàn kìm (nguyệt): "Ban đầu chỉ là tập để hiểu, sau đó, tôi yêu chúng lúc nào không biết".
Luôn muốn kết hợp âm nhạc dân tộc của Việt Nam với âm nhạc phương Tây, tuy nhiên, Thắng Trần hầu như không tìm được người đồng điệu. Cũng bởi vậy, anh quyết định đi trên hành trình đơn độc với đam mê, bước đầu là việc truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sỹ, nhà sản xuất đưa tiếng tiêu vào trong tác phẩm của họ.
Những kết quả đầu tiên đã tới với Thắng Trần, sau một hành trình nỗ lực không mệt mỏi. Trong đó có thể kể tới album Dzanca của guitarist Dzũng, bản thu tiêu cho phim chiếu rạp "Võ sinh đại chiến" (đạo diễn Bá Cường). Ngoài ra, anh cũng được mời thu tiêu cho một số nhà sản xuất phim tới từ nước ngoài.
Vừa qua, xuất hiện trong gameshow "Rock Việt" với phần đệm tiêu cho ca khúc "Cho cháu cho con" (ban nhạc Metanoia), Thắng Trần để lại nhiều ấn tượng với công chúng. Anh tạo ra một không gian đầy sự phiêu lãng, thăng hoa, kéo khán giả vào phần sau ca khúc. Thắng Trần chia sẻ: "Khi nhận được lời mời của ban nhạc Metanoia tham gia tiết mục này, tôi đã nhận lời ngay.
Thường thì khi chơi nhạc, tôi sẽ chơi bằng chính cảm xúc của mình. Cảm xúc thì luôn thay đổi từ giây này qua phút nọ, nên mỗi bài nhạc của tôi thể hiện lần nào cũng khác nhau. Mỗi khoảnh khắc trên sân khấu tôi đều sống đúng với chính cảm xúc của mình dành cho bài hát, cũng như cảm xúc tương tác với các bạn diễn".
Trong khi nhiều người khẳng định: "Việc kết hợp một dòng nhạc hiện đại (như pop, rock) với các nhạc cụ dân tộc là điều không dễ dàng", Thắng Trần quan niệm: "Nếu nói là khó thì bất kỳ sự kết hợp nào cũng sẽ khó, và như vậy chúng ta đang tự đặt ra ranh giới cho các dòng nhạc.
Theo cách nghĩ riêng cá nhân tôi thì âm nhạc là một ngôn ngữ. Mỗi dòng nhạc là một chủ đề. Ví dụ như mình dùng tiếng Việt như nhau, nhưng một nhóm nói chuyện về âm nhạc, một nhóm nói chuyện về lập trình, một nhóm nói chuyện về cơ khí. Khác nhau ở chỗ là các thành viên trong nhóm đó họ có nhiều điểm chung với nhau. Các dòng nhạc cũng vậy, mỗi dòng nhạc chia sẻ nhiều đặc điểm chung về tiết tấu, về hòa thanh, hoặc giai điệu…
Một khi mình tự xóa bỏ đi cái ranh giới đó trong suy nghĩ của mình để tìm ra được điểm chung của mình với những nhóm khác thì không cần phải kết hợp gì cả, mà nó tự nhiên hòa hợp với nhau. Một khi ta còn cố gắng tìm cách "kết hợp" thì sẽ còn đâu có ít nhiều sự gượng ép".
Nghệ sĩ Thắng Trần và ban nhạc Metanoia trong ca khúc "Cho cháu cho con". (Clip: Rock Việt)
Thắng Trần cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn, đó là đa số người Việt ít quan tâm tới nhạc cụ dân tộc: "Đa số mọi người không biết được tên các nhạc cụ. Ngay cả tiêu hay sáo thì ít người biết phân biệt, mặc dù sự khác nhau là rất rõ ràng. Ở chiều ngược lại, các bạn sinh viên đang học chuyên ngành âm nhạc truyền thống đa phần khi ra ngoài đi làm, chơi nhạc nhẹ cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu".
Nghệ sĩ 36 tuổi bày tỏ mong muốn những người trẻ tại Việt Nam, đặc biệt là người làm nhạc sẽ dành thời gian tìm hiểu một loại nhạc cụ truyền thống: "Tìm hiểu không có nghĩa là phải biết chơi hoặc chơi thật hay. Tìm hiểu có thể đơn giản ở mức độ biết được tên gọi, biết được đặc trưng của một loại nhạc cụ dân tộc nào đó. Điều này không hề khó, nếu không muốn nói là nên biết vì đó là kho tàng văn hóa của cha ông ta để lại cho tất cả con cháu Việt Nam. Ở thời đại này, để tiếp cận là điều dễ dàng. Biết đâu sau khi tìm hiểu các bạn sẽ có hứng thú thử tập, thử chơi.
Nghệ sỹ sẽ là người truyền cảm hứng cho khán giả. Khán giả càng ngày càng ít mặn mà với nhạc cụ truyền thống, đơn giản là vì càng ngày càng ít người chơi nhạc cụ truyền thống" - Thắng Trần khẳng định.