TTVH Online

Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 18: Nỗi lòng cậu con trai 17 tuổi

Phong Cầm 28/03/2022 20:01 GMT+7

"Người Việt đến từ Kharkiv vẫn không thôi ám ảnh khi tên lửa đỏ rực, máy bay ầm ầm trên đầu, cả biển người nháo nhào, tiếng mẹ gọi con lo lắng và bất lực... Con trai 17 tuổi của người mẹ Việt ngày nào cũng xếp quần áo vào vali đòi quay trở lại Ukraine...", trích nhật ký chiến sự phần 18 của Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.

Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 18: Nỗi lòng cậu con trai 17 tuổi - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân Ukraine di tản với thú cưng của mình.

Theo thông tin của Liên Hợp Quốc, sau một tháng chiến tranh, 45% các gia đình người Ukraine đã gặp vấn đề khó khăn về thực phẩm. Khoảng 20% người dân Ukraine hiện bị đói, nhiều người lớn phải nhịn để nhường đồ ăn cho trẻ em.

Hôm 26/3 theo truyền thông Ukraine, số lượng tên lửa kỷ lục của Nga đã phóng trên khắp đất nước Ukraine. Nga đã pháo kích ngay trên lãnh thổ Ukraine gần biên giới với Ba Lan. Những con đường nguy hiểm nhất vẫn là quốc lộ Zhimomyr, Bucha - Irpil - Gostomela... Kyiv mấy hôm nay có vẻ bình yên hơn nhưng không có nghĩa là an toàn. Những chuyến tàu, xe chở người di tản vẫn liên tục lên đường để đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn người Việt ở Mariupol là vùng nguy hiểm nhất vẫn còn một số ít chưa thoát ra được.

Mấy ngày nay, trung tâm tiếp nhận chỗ chúng tôi liên tục có người dân từ Ukraine tới nhập trại. Họ từ các thành phố Sumy, ngoại ô Kharkiv bồng bế, dắt díu nhau chạy đi di tản và dù có vất vả nguy hiểm họ cũng không quên mang theo thú cưng của mình. Những chặng đường đầy bốt gác lạnh lẽo ghê rợn, tên lửa bay vèo vèo qua cửa sổ toa tàu hay tiếng máy bay gầm rú trên đầu đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi!!!

Thoát khỏi hiểm nguy, cuộc sống ở những trại tị nạn cũng muôn màu muôn vẻ. Có những nơi người tị nạn đã được cấp nhà ở để ổn định cuộc sống, hoặc đã được cấp giấy 3 mảnh, có người đã chuẩn bị đi làm, có những nơi phải học tiếng trước, nhưng cũng có những nơi mới chỉ được ở tạm chưa có bất kỳ chế độ nào. Ăn uống có nơi khá tốt, có nơi chỉ nhai bánh mì giò. Nơi gia đình cô bạn tôi ở là một thành phố thuộc vùng Bayern, bạn kể đó là khu tập trung gần các khu công nghiệp mênh mông. Đứng cả vài tiếng đồng hồ ở đó cũng không nhìn thấy cái xe nào chạy qua, không tìm thấy bất cứ một siêu thị nào xung quanh và muốn ăn một bát súp cũng là một điều vô cùng xa xỉ. Nhiều cháu nhỏ không chịu nổi khóc quấy suốt ngày.

Còn một cô bạn Kyiv của tôi ở một nơi điều kiện cũng không khá hơn. Cô ấy lại có 2 con quá nhỏ nên ăn uống rất khổ, 2 đứa trẻ cứ mướt mát, cô bạn khóc và lo lắng không biết hai con mình có vượt qua được không. Trong cuộc di tản này, những người bị thiệt hại lớn nhất là trẻ em và phụ nữ. Họ phải đối mặt với muôn vàn nỗi lo lắng, những điều không bao giờ ngờ tới. Bạn cứ thử tưởng tượng nếu bạn chỉ kịp vơ vội đôi bộ quần áo, một chút thức ăn đi đường và vài đồng trong túi thì cuộc sống sẽ ra sao? Cô bạn tôi chỉ độc một bộ quần áo trên người, may mắn là có bạn ở Đức cho thêm đôi bộ.

Còn một cô bạn khác của tôi may mắn đến Ba Lan được các tình nguyện viên phát quần áo cho, con gái thì không chọn được gì, vậy là phải đi mua quần áo mới với giá vô cùng đắt đỏ. Các trại tị nạn đều quá tải. Như ở CH Séc có tình trạng chen lấn nhau để nhận đồ ăn. Nhiều nơi cả ngày chỉ được chia một ca nước. Chỗ tắm giặt không có, chỗ ngủ cũng chen chúc... Khủng hoảng tị nạn là có thật. Không phải khi chúng tôi lựa chọn ra đi là nghĩ mình sẽ đến thiên đường như nhiều người đang gán cho "dân di tản chúng tôi" cái tội đó. Các nước tư bản không như trong mơ, chúng tôi biết rõ điều này.

Với khoản trợ cấp ít ỏi, những người mẹ có con nhỏ phải bấm bụng chỉ dám mua cho mỗi đứa con một chiếc kem rẻ nhất với giá 0,69€. Muốn mua cái gì cho con cũng phải tính chi li từng đồng, còn bản thân mình chỉ mua đôi dép vì khi chạy di tản là mùa đông và bây giờ đã bắt đầu mùa xuân rồi. Có cậu bé xuống nhà ăn nhất định không ăn vì "không có món cháo mạch như của ông ngoại", bà mẹ phải thuyết phục cả ngày nó mới chịu ăn một chút. Nhiều người Ukraine đã lựa chọn quay trở về quê hương trong thời điểm này. Họ sẽ sát cánh cùng những người đàn ông trong gia đình đang bảo vệ Tổ Quốc và nếu có nằm xuống thì cũng vô cùng thanh thản trên mảnh đất chôn rau cắt rốn...

Những người Việt ở cùng tôi từ Kharkiv đến giờ vẫn nhắc lại cảm giác kinh hoàng khi tên lửa đỏ rực, máy bay ầm ầm trên đầu, cả biển người nháo nhào, tiếng mẹ gọi con đầy lo lắng và bất lực... Nhưng chúng tôi sẽ trở về khi chiến tranh kết thúc. Ngay cả con trai của người mẹ Việt Nam năm nay 17 tuổi ngày nào cũng xếp quần áo vào vali đòi quay trở lại Ukraine... Nó bảo "Con về theo bạn con làm vũ khí tự chế tham gia chiến đấu, diệt xe tăng địch..."

Thi thoảng, tôi và 3 người phụ nữ Ukraine đứng nói chuyện với nhau, tâm sự với nhau, kể cho nhau nghe những điều đang diễn ra. Tanhia từ Poltava kể rằng mỗi lần gọi điện về cho chồng hỏi thăm tình hình, chồng cô ấy đều nói ổn. Chồng cô ấy không muốn nói sự thật để vợ con đỡ lo, thực tế không hề ổn chút nào. Tôi ôm lấy Tanhia rớm lệ: "Mong sớm hòa bình để chúng mình trở về".

Người phụ nữ từ Kramatorsk lúc nào cũng lo lắng vì khu vực cô ở thường xuyên bị pháo kích, luôn trong tình trạng báo động. Người phụ nữ từ Krivy Rig luôn có vẻ mặt buồn buồn vì gia đình cô cũng trong tình trạng thấp thỏm. Bà Valentina hàng xóm của tôi cũng thường xuyên gọi điện cho tôi thông báo tình hình, hiện tại thành phố của chúng tôi tạm ổn mặc dù vẫn có báo động thường xuyên, chưa biết tương lai ra sao...

Ngày 27/3

Nga tiếp tục nã tên lửa dồn dập vào các thành phố của Ukraine như: Lutsk, Kharkiv, Zhytomyr và Rivne. Khu vực Fastivski ngoại ô Kyiv cũng bị bắn phá ác liệt.

Ngày 28/3

Anh bạn tôi còn bám trụ ở Kyiv viết: "Hôm nay giao tranh ở vùng ngoại ô Kyiv có vẻ ác liệt. Suốt từ sáng sớm đến giờ tiếng nổ không dứt. Theo cảm nhận các tiếng nổ bởi những vũ khí hạng nặng chứ không như mọi khi. Bao giờ mới yên đây?!".

Chúng tôi cầu mong cho hòa bình đến sớm với đất nước Ukraine xinh đẹp và thân thiện!


Đỗ Thị Hoa Lý viết riêng cho Dân Việt từ Dormund
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN