TTVH Online

Phi tần nào được cả Khang Hi, Ung Chính và Càn Long sủng ái?

Phong Cầm 25/04/2022 11:30 GMT+7

Dù không có con nhưng phi tần này vẫn được cả ba vị hoàng đế nổi tiếng là Khang Hi, Ung Chính và Càn Long hết mực sủng ái. Người này là ai?

Trong chốn thâm cung, cuộc chiến giữa các phi tần để tranh giành sự sủng ái của hoàng đế luôn diễn ra âm ỉ và vô cùng khốc liệt. Giữa hàng nghìn cung tần mỹ nữ, được hoàng đế chú ý tới đã là điều rất khó. Do đó, không nhiều mỹ nhân nhận được sự sủng ái của hoàng đế.

Có người thậm chí phải ngậm ngùi chịu cảnh cô đơn đến già trong hậu cung lạnh lẽo. Do đó, ngay từ khi mới nhập cung, mỹ nữ nào cũng muốn nhanh chóng nhận được sự sủng hạnh của hoàng đế để có được cuộc sống sung túc và quyền lực ở hậu cung.

Để tranh sủng và thoát khỏi số phận cô độc ở trong cung, các phi tần đương nhiên đều mong muốn nhanh chóng sinh được con cho hoàng đế. Bởi khi có con, địa vị của phi tần không những cao hơn mà cuộc sống sau này cũng không cần phải quá lo lắng.

Thế nhưng trong lịch sử nhà Thanh lại có một trường hợp hi hữu. Đó là một vị phi tần không con, sống qua ba triều đại và được cả ba vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất là Khang Hi, Ung Chính, Càn Long sủng ái và quý mến.

Vị phi tần có xuất thân danh gia vọng tộc

Mỹ nhân không con của Khang Hi: Sống qua 3 triều đại, được hoàng đế sủng ái tới già - Ảnh 1.

Đôn Di Hoàng Quý phi có xuất thân trong một gia tộc giàu có. Ảnh: Sohu

Người này chính là Đôn Di Hoàng Quý phi, một phi tần của hoàng đế Khang Hi. Theo ghi chép trong sử sách, Đôn Di Hoàng Quý phi sinh năm Khang Hi thứ 22 (năm 1683), là con gái của họ Qua Nhĩ Giai thị, một gia tộc giàu có.

Trong thời nhà Thanh, nhiều phi tần đều được tuyển chọn từ các gia đình thuộc Bát Kỳ Mãn Châu. Gia tộc của Đôn Di Hoàng Quý phi chính là một trong những danh gia vọng tộc lúc bất giờ. Do đó, dường như ngay từ khi sinh ra, Đôn Di Hoàng Quý phi đã được chọn để nhập cung.

Năm Khang Hi thứ 37, Qua Nhĩ Giai thị bắt đầu nhập cung. Nhờ gia thế, dung mạo xinh đẹp và tài năng, Qua Nhĩ Giai thị nhanh chóng nhận được sự chú ý của hoàng đế Khang Hi. Đến năm Khang Hi thứ 39, Qua Nhĩ Giai thị khi đó mới 17 tuổi nhưng đã được sách phong Hòa tần. Vị trí này đối với một phi tần mới nhập cung thì quả thực khiến nhiều người phải ghen tị.

Trong thời gian lúc đó, Hòa tần được hoàng đế sủng ái và nhanh chóng có thai. Vị phi tần này sinh được Hoàng thập bát nữ nhưng không may mệnh yểu qua đời. Do quá đau thương nên kể từ đó, Hòa tần không sinh thêm đứa con nào nữa.

Mất mát lớn và kết cục khiến cả hậu cung mơ ước

Thấy Hòa tần còn trẻ mà phải chịu tổn thương như vậy nên Khang Hi vẫn thương yêu và quan tâm Hòa tần. Dù không thể sinh con được nữa nhưng hoàng đế Khang Hi vẫn tấn phong cho vị phi tần này trở thành Hòa phi, địa vị khá cao trong hậu cung.

Đến năm 1722, hoàng đế Khang Hi qua đời, Ung Chính lên ngôi. Lúc bấy giờ, Hòa phi vẫn còn khá trẻ khi mới 39 tuổi.

Hoàng đế Ung Chính cũng đối xử rất tử tế và chu đáo với Hòa phi vì một vài lý do sau. Thứ nhất, Hòa phi là vị phi tần không can dự vào sự kiện "cửu tử đoạt đích". Thứ hai, Hòa phi là phi tần của tiên hoàng và không có con cái nối dòng. Thứ ba, Hòa phi là người từng nuôi dạy rất chu đáo cho Hoằng Lịch (tức Càn Long), con trai của Ung Chính.

Ung Chính rất tôn kính và phong Hòa phi làm Hoàng Khảo Quý phi. Hai người tuy không phải mẹ con ruột thịt nhưng tình cảm rất gắn bó và thân thiết. Chính vì vậy, Ung Chính đối xử rất tử tế và tôn kính với Hoàng Khảo Quý phi trong thời gian ông nắm quyền.

Mỹ nhân không con của Khang Hi: Sống qua 3 triều đại, được hoàng đế sủng ái tới già - Ảnh 2.

Đôn Di Hoàng Quý phi được cả ba vị hoàng đế nhà Thanh tôn trọng, yêu mến. Ảnh: Sohu

Sau khi Ung Chính qua đời, Càn Long lên kế vị. Lúc bấy giờ, Hoàng Khảo Quý phi cũng đã lớn tuổi. Nhớ tới ân dưỡng dục năm xưa nên Càn Long luôn hiếu thuận và tôn kính vị phi tần của hoàng đế Khang Hi, thậm chí còn phong tôn làm Ôn Huệ Quý thái phi. Đến năm Càn Long thứ 8 (năm 1743), sau khi Khác Huệ Hoàng quý phi Đông Giai thị qua đời, hoàng đế Càn Long đã tấn tôn bà làm Ôn Huệ Hoàng Quý thái phi, địa vị vô cùng cao quý trong hậu cung.

Hoàng đế Càn Long rất hiếu thuận với Ôn Huệ Hoàng Quý thái phi giống như bà nội của mình. Cụ thể, thọ thần của bà khi 70 và 80 tuổi đều được vị hoàng đế này tổ chức chu đáo và dâng nhiều lễ vật để chúc mừng.

Đến năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Ôn Huệ Hoàng Quý thái phi qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Hoàng đế Càn Long đã đích thân tới tưới rượu trước kim quan của bà. Vị hoàng đế này còn làm lễ dâng thụy hiệu cho bà là Đôn Di Hoàng Quý phi và cho an táng vào Hoàng quý phi viên tẩm ở trong Cảnh lăng.

Trong số các phi tần của hoàng đế Khang Hi, Đôn Di Hoàng Quý phi chính là người mất cuối cùng.

Dù không có con cái nhưng cuộc đời của vị phi tần này có thể nói là vô cùng sung sướng, bình an và vinh quang. Theo các sử gia đánh giá, nhờ xinh đẹp, tài năng và hiền đức nên Đôn Di Hoàng Quý phi nhận được sự yêu thương và chăm sóc của cả ba vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Thanh. Đây thực sự là một cái kết có hậu mà không phải mỹ nhân nào trong hậu cung cũng có thể nhận được.

PV
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN