Hóa ra tiêu chí để có thể trở thành đại nội thị vệ vào thời nhà Thanh không hề đơn giản.
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Trong triều đại này, có một lực lượng được tuyển chọn vô cùng gắt gao, huấn luyện tinh nhuệ để bảo vệ Tử Cấm Thành và sự an nguy của hoàng đế.
Đó chính là đại nội thị vệ. Những thị vệ trong Tử Cấm Thành chỉ được tuyển chọn trong các gia tộc thuộc Bát Kỳ Mãn Châu. Trên thực tế, các thị vệ được chia làm 4 bậc cơ bản, bao gồm: Nhất đẳng thị vệ, nhị đẳng thị vệ, tam đẳng thị vệ, tứ đẳng thị vệ, và 3 bậc thị vệ khác chỉ được tuyển từ Tông thất.
Trong số các thị vệ, riêng Ngự tiền thị vệ và Càn Thanh môn thị vệ là lực lượng do đích thân hoàng đế chọn lựa. Những người này thường là con nhà quyền quý hoặc có biệt tài thì mới được tuyển chọn. Đây cũng chính là hai hạng thị vệ nhận được đãi ngộ cao nhất thời nhà Thanh.
Trong khi đó, nhị đẳng thị vệ, tam đẳng thị vệ và các hạng thị vệ khác lần lượt chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh tại nơi ở của các phi tần và cung nữ trong cung. Đồng thời họ còn có nhiệm vụ phòng, chống trộm cướp, tuần tra hỏa hoạn. Địa vị của họ tương đối thấp và có công việc phức tạp hơn.
Cơ chế tuyển chọn đại nội thị vệ thời nhà Thanh rất nghiêm ngặt. Vào thời Khang Hi, tất cả các thị vệ được lựa chọn phải là con cháu trong Bát Kỳ Mãn Châu, đặc biệt là thuộc Thượng tam kỳ (gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chích bạch kỳ).
Việc tuyển chọn đại nội thị vệ thậm chí còn được đánh giá là cao hơn nhiều so với việc chọn phi tần của hoàng đế.
Vì sao thời nhà Thanh lại chỉ chọn thị vệ là con cháu của Bát Kỳ Mãn Châu?
Nhà Thanh là do người Mãn Châu thành lập, đứng đầu là hoàng tộc Ái Tân Giác La. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hoàng đế và Tử Cấm Thành, các thị vệ được chọn đều phải là con cái của các quý tộc Mãn Thanh, có gốc gác cao quý, thông minh và tuyệt đối trung thành, đáng tin cậy. Trong khi đó, những người Hán dù có xuất thân cao quý ra sao thì cũng khó có thể được lựa chọn làm thị vệ trong Tử Cấm Thành.
Vào thời kỳ đầu của nhà Thanh, binh lính của Bát Kỳ tương đối mạnh mẽ khi chiến đấu trên lưng ngựa. Do đó, để có thể được lựa chọn làm thị vệ phải là những người tinh nhuệ trên chiến trường. Đặc biệt, để được chọn làm thị vệ bảo vệ hoàng đế và hoàng tộc, những người này không những có gia cảnh tốt, mà còn phải có năng lực xuất chúng và nhiều chiến công.
Vào thời kỳ giữa nhà Thanh, tức giai đoạn trị vì của Ung Chính và Càn Long, nhà Thanh trong thời kỳ thái bình và thịnh vượng. Do đó, để thể hiện sự đối xử công bằng đối với người Hán và người Mãn Châu, hoàng đế bắt đầu nới lỏng các tiêu chuẩn để tuyển chọn thị vệ trong cung.
Dù thị vệ có thể không có võ công cao siêu như các cao thủ võ lâm giống như trong các bộ phim, nhưng họ cũng là lực lượng rất tinh nhuệ, xuất sắc trong đấu vật, tiễn thuật (bắn cung) và chiến đấu, cũng như có thể lực và sức mạnh thể chất vượt trội.
Trong thời hoàng đế Ung Chính, những người Hán có võ công cao được tuyển dụng làm thị vệ trong cung. Sau đó, các vị hoàng đế của nhà Thanh cũng chọn những người Hán có năng lực về võ thuật để làm thị vệ.
Vào cuối triều đại nhà Thanh, thậm chí còn có nhiều người Hán được làm Ngự tiền thị vệ và Càn Thanh môn thị vệ.
Từ đại nội thị vệ đến ngự tiền thị vệ quả thực là một bước nhảy vọt lớn về cấp bậc. Bởi dù đều làm việc trong cung nhưng ngự tiền thị vệ có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ hoàng đế. Hầu như ngày nào ngự tiền thị vệ cũng có thể ở bên cạnh hoàng đế. Do đó, theo thời gian, hoàng đế tự nhiên sẽ nhớ tên và khuôn mặt của các thị vệ này. Trong những lần thăng chức và thuyên chuyển, hoàng đế vì thế cũng sẽ tập trung ưu ái cho những người thân cận xung quanh mình.
Trên thực tế, trong lịch sử nhà Thanh ghi nhận những người từng làm ngự tiền thị vệ nhưng sau đó được cất nhắc lên các chức vụ cao hơn như Nạp Lan Minh Châu vào thời Khang Hi, Phó Hằng, Hòa Thân vào thời Càn Long...