Nếu Lưu Bị không chết sớm và có thể thống nhất được Tam Quốc, hai mãnh tướng này chắc chắn sẽ bị giết vì những nguyên nhân không ngờ.
Trong Tam Quốc, ba tập đoàn mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô luôn muốn hiện thực hóa tham vọng thống nhất thiên hạ. Cả đời vào sinh ra tử, tham gia vô số trận đấu trí và lực cuối cùng cũng là muốn hoàn thành giấc mộng trên.
So với Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị có xuất phát điểm yếu hơn, thậm chí gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình lập nghiệp. Lưu Bị từng tham gia vào rất nhiều trận chiến nhưng số lần thắng lợi không nhiều.
Cuối cùng, nhờ sự giúp sức của các anh hùng, hào kiệt, mưu sĩ chiêu mộ được, Lưu Bị cuối cùng cũng có được Kinh Châu, Ích Châu và sau đó là Hán Trung, để tạo nền tảng vững chắc lập nên nhà Thục Hán.
Thế nhưng sự ra đi đột ngột của Quan Vũ đã làm thay đổi cục diện chính trị trong Tam Quốc lúc bấy giờ. Quan Vũ mất, Kinh Châu cũng chẳng còn, chính sự mất mát này đã khiến Lưu Bị nổi giận và cuối cùng chọn cách tổng tấn công Đông Ngô, bất chấp lời khuyên can của nhiều người.
Ban đầu, trong trận Di Lăng, đại quân của Lưu Bị hùng mạnh đến nỗi ngay cả bản thân Tôn Quyền cũng không nghĩ rằng mình có thể thắng được. Vị quân chủ của Đông Ngô thậm chí đã phái người đến giảng hòa với Lưu Bị. Thế nhưng Lưu Bị lúc bấy giờ không đồng ý cầu hòa và muốn lợi dụng tình thế để đánh Đông Ngô.
Đáng tiếc, Lưu Bị lại sơ suất trước mưu kế của Lục Tốn, Đại đô đốc của Đông Ngô. Cụ thể, Lục Tốn cầm chân đại quân của Lưu Bị tại Di Lăng, chọn cách chờ quân địch mệt mỏi thì mới tấn công.
Trong khi quân của Lưu Bị phải hạ trại để nghỉ ngơi lấy sức, Lục Tốn bất ngờ đánh úp khi dùng hỏa công tấn công liên trại. Lưu Bị dù thoát khỏi vòng vây nhưng đại quân Thục Hán lại chịu tổn thất nghiêm trọng, buộc phải rút lui.
Đại bại ở trận Di Lăng không những gây tổn thất lớn cho Thục Hán mà còn phá hủy giấc mộng thống nhất thiên hạ của Lưu Bị, khiến vị quân chủ này sau đó sinh bệnh nặng và qua đời.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng nếu như Lưu Bị không chết và thống nhất được Tam Quốc, thì hai mãnh tướng chắc chắn sẽ bị giết ngay lập tức là ai?
Lưu Phong là con nuôi của Lưu Bị. Ban đầu, Lưu Phong có tên là Khấu Phong, mẹ ông họ Lưu, thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Hán. Vào năm 200, khi giao tranh với Tào Tháo ở Từ Châu, Lưu Bị phải chạy về phía nam theo Lưu Biểu, và gặp Khấu Phong ở Kinh Châu.
Trong thời gian này, do chưa có con trai thừa tự nên Lưu Bị nhận Khấu Phong làm con nuôi và đổi sang họ Lưu. Thậm chí lúc đó Lưu Bị còn có ý muốn Lưu Phong sau này sẽ là người kế tục sự nghiệp của mình.
Không lâu sau, Lưu Bị cũng nhận được sự ủng hộ từ các quý tộc, gia tộc lớn ở Kinh Châu, tạo tiền đề thuận lợi cho việc tiếp quản vùng đất Kinh Châu sau này.
Lưu Phong khi lớn lên vừa có sức khoẻ vừa giỏi võ nghệ. Năm 214, mãnh tướng này dù lúc đó chỉ hơn 20 tuổi nhưng đã theo Trương Phi, Triệu Vân vào Ích Châu để đánh Lưu Chương. Do lập công nên Lưu Phong còn được Lưu Bị phong làm Phó quân trung lang tướng.
Có thể thấy rằng Lưu Bị rất biết nhìn người. Lưu Phong quả thực là một nhân tài và cũng được cha nuôi trọng dụng.
Vậy, vì sao Lưu Bị sẽ giết Lưu Phong sau khi hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ? Nguyên nhân là do vấn đề về người thừa kế. Năm xưa, Lưu Bị nhận nuôi Lưu Phong khi chưa có con trai để thừa tự. Tuy nhiên, sau đó, vị quân chủ này đã có con trai thừa kế là Lưu Thiện. Do đó, đương nhiên việc nhường ngôi vị sẽ hướng về phía con ruột.
Trong khi đó, Lưu Phong từ khi còn trẻ đã gia nhập vào đại quân của Lưu Bị, giúp cha nuôi trong việc gây dựng cơ nghiệp. Dù tuổi còn trẻ nhưng Lưu Phong đã lập được không ít công lao, khẳng định mình và có vị trí nhất định trong quân ngũ.
So với Lưu Thiện, Lưu Phong sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía bá quan, văn võ, đặc biệt là các tướng lĩnh trong doanh trại.
Chính vì vậy, sau khi thống nhất thiên hạ, Lưu Bị đương nhiên sẽ chọn cách đẩy Lưu Phong vào chỗ chết thì lo ngại về cuộc chiến tranh giành thừa kế mới có thể được giải quyết.
Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, là một trong những võ tướng nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán và đầu Tam Quốc. Mã Siêu mang trong mình dòng máu của người Khương và có xuất thân gia thế khi được cho là hậu duệ của tướng Mã Viện thời nhà Đông Hán. Ông được đánh giá là võ dũng hơn người và là một trong những võ tướng mạnh nhất thời Tam Quốc.
Từ khi còn trẻ, Mã Siêu đã theo cha là Mã Đằng ở lại Tây Lương để tham gia vào các chiến dịch quân sự. Trong thời gian này, Mã Siêu anh dũng vô địch khi lập được công đầu là vừa phá được địch, vừa chém lấy thủ cấp của tướng địch là Quách Viện.
Chính chiến công này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của Mã Siêu, uy danh tăng đáng kể trong quân đội Tây Lương. Nhờ vậy, tạo tiền đề để Mã Siêu sau đó trở thành thế lực cát cứ tại nơi đây.
Tuy nhiên, sau khi nắm quyền ở Tây Lương, Mã Siêu đã dấy binh tạo phản, tiến đánh Đồng Quan. Quân đội nhà Đông Hán do Tào Tháo thống lĩnh với sự giúp sức của nhiều tướng tài như Hạ Hầu Uyên, Hứa Chử, Từ Hoảng, Trương Cáp… Hai bên Mã Siêu và Tào Tháo đã có nhiều trận chiến đụng độ quyết liệt. Mã Siêu vô cùng dũng mãnh khi có thể thống lĩnh đại quân và cầm cự bất phân thắng bại với Tào Tháo.
Đáng tiếc, sau đó Mã Siêu lại trúng kế ly gián của Tào Tháo nên dẫn đến thất bại ở trận Đồng Quan.
Việc Mã Siêu dấy binh tạo phản cũng khiến Mã Đằng và họ Mã bị tru di tam tộc. Đây quả thực là một mất mát quá lớn đối với võ tướng này.
Trong thời gian đầu quân cho Trương Lỗ, rơi vào tình thế bất đắc chí khi nhận thấy Trương Lỗ chẳng thể cùng bàn tính việc nên Mã Siêu đã bí mật gửi thư để đầu quân cho Lưu Bị.
Dưới trướng của Lưu Bị, Mã Siêu được đánh giá là võ tướng tài giỏi, thiện chiến, thậm chí còn được xếp vào Ngũ hổ tướng của Thục Hán, bên cạnh các tướng tài như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và Hoàng Trung.
Vậy, tại sao Lưu Bị sẽ giết Mã Siêu sau khi vị quân chủ này thực hiện hoài bão thống nhất thiên hạ? Trên thực tế, vấn đề hoá ra là do Mã Siêu.
Lưu Bị đề phòng Mã Siêu và không hoàn toàn tin tưởng mãnh tướng này bởi những sai lầm trong quá khứ. Thục Hán có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào nếu như Mã Siêu có ý định dấy binh tạo phản. Thứ hai, tham vọng của Mã Siêu khá lớn. Năm xưa, mãnh tướng có tài bắn tên và lối đánh thần tốc này từng muốn tranh ngôi vị chủ thiên hạ mà không màng tới sự an nguy của cả gia tộc họ Mã khi chọn đối đầu với Tào Tháo, dấy binh tạo phản.
Trong thời loạn lạc, việc có được một tướng tài và dũng mãnh như Mã Siêu là điều mà vị quân chủ nào cũng mong muốn. Thế nhưng sau khi thống nhất thiên hạ, một người cẩn trọng như Lưu Bị chắn chắn cũng không dám giữ Mã Siêu ở lại, để tránh hậu hoạ về sau.
Tâm tư của Lưu Bị suy cho cùng cũng giống với hầu hết các hoàng đế khai quốc khác, đó là muốn đảm bảo quyền lực tối thượng và giảm thiểu đến mức tối đa các mối đe doạ cho chính mình và con cháu sau này.