TTVH Online

Vua chúa Đại Việt chơi sang cỡ nào?

Phong Cầm 09/05/2022 18:31 GMT+7

Lịch sử nước ta để lại không phong phú như của Trung Quốc, do đã bị phá hủy, thất lạc quá nhiều trong chiến tranh, nên đời sau ngoài những sự kiện lịch sử vắn tắt, ít khi biết được những câu chuyện cụ thể, như các vị vua, quý tộc nước ta thời xưa ăn gì, vui chơi, sinh sống ra sao.

Nhưng, chắt lọc trong sử sách, vẫn có nhiều ghi chép lẻ tẻ cho đời sau biết thời xưa vua chúa ăn chơi những món gì.

Xây cung điện xa xỉ

Trong bộ chính sử "Đại Việt sử ký toàn thư", cho biết các vị vua khởi đầu nhà Tiền Lê chuộng xa xỉ ra sao. Sử viết, năm 984, Vua Lê Hoàn "dựng nhiều cung điện, làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lợp bằng ngói bạc".

Hoặc, khi sứ giả nhà Tống là Lý Nhược Chuyết và Lý Giám sang sách phong cho vua chức An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, sử nước ta viết: "Vua hằng ngày đem những thứ châu báu kỳ dị bày chật cả sân để khoe là giàu có". Thời đó, việc xây cất cũng chỉ đơn sơ nên có lẽ thú vui xa xỉ của nhà vua chỉ đến thế.

Vua chúa Đại Việt chơi sang cỡ nào? - Ảnh 1.

Điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế.

Thời Lý, sử sách chép có đài Chúng Tiên dựng 5 tầng, trên lợp ngói bạc. Nhưng, xây cất nguy nga có lẽ chỉ dành cho cung vua, vì ở đầu thời Trần, Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, là anh cả của Vua Trần Thánh Tông, khi được cử vào trấn thủ Diễn Châu, xây dựng phủ đệ to lớn, sau sợ mang tiếng nên đành chuyển làm nơi thờ Phật. Sang đến thời Lê, công thần khai quốc Trần Nguyên Hãn chỉ vì xây dựng phủ đệ lớn mà bị gièm pha ngầm mưu phản, bị Vua Lê Thái Tổ cho quân đến bắt rồi phẫn uất nhảy xuống sông tự trầm.

Khi triều Trần suy vi, Vua Trần Dụ Tông cũng chìm đắm trong những thú chơi xa xỉ của mình. Vua cho đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, 4 mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía Tây hồ trồng 2 cây quế, dựng điện Song Quế. Rồi lại đào một hồ nhỏ khác, sai người Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi trong hồ. Lại sai người Hóa Châu (vùng Thừa Thiên ngày nay) chở cá sấu đến thả vào đó. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ...

Vua Lê Tương Dực cũng là một vị vua nổi tiếng ăn chơi sa đọa. Sử chép, vua làm nhiều việc thổ mộc, đắp thành rộng to mất nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía Đông đến phía Tây Bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành. "Lại làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử khỏa thân chèo ở hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm", "Toàn thư" viết như vậy và mô tả thêm: "Người thợ Vũ Như Tô làm điện to hơn trăm nóc, hết tiệt tiền của và sức dân trong nước. Lại làm đài 9 đợt, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang để đi chơi". Đến khi Trịnh Duy Sản nổi binh giết vua thì Nguyễn Hoằng Dụ cũng đưa quân vào đốt phá phố xá ở kinh thành, chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa kinh thành, cửu trùng đài cũng tan thành mây khói.

Sau thời nhà Mạc, khi họ Trịnh giúp vua Lê trung hưng và trở về Thăng Long thì từ đó vua Lê chỉ còn là hư vị, quyền bính trong tay thuộc hết về phủ chúa. Cung điện nhà vua ngày càng hoang tàn, phế nát, vua mỗi tháng ra coi chầu lấy lệ 2 lần, trong khi phủ chúa thì lộng lẫy, nguy nga, trăm quan ra vào nườm nượp.

Theo lời mô tả của Samuel Baron, thương gia Anh quốc đến Thăng Long năm 1680: Phủ chúa ở trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Những dinh thự dành cho người nhà chúa được xây 2 tầng có nhiều cửa mở thoáng đãng. Các cửa đồ sộ, chạm trổ công phu và tất thảy đều làm từ gỗ lim. Các tư thất và cung dành cho phụ nữ đều lộng lẫy, xa hoa, có chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Sân trước khu dinh thự có chuồng voi lớn và ngựa tốt, phía sau phủ đường là hoa viên, cây cối, ao cá... cùng bất cứ thú thưởng ngoạn nào mà vương quốc này có thể đáp ứng để chúa tiêu khiển vì ngài hiếm khi ra ngoài.

Đặc biệt, ở cửa ô Tây Long (khoảng vị trí Bảo tàng Lịch sử ngày nay), vào năm 1644, chúa Trịnh Doanh cho xây lầu Ngũ Long mang hình 5 con rồng. Theo các ghi chép để lại thì lầu rất cao, được dát bằng mảnh sứ và có cẩm thạch quấn quanh nên từ rất xa đã có thể trông thấy.

Các ngón chơi

Về thú chơi, trong khi Vua Lê Đại Hành mới biết "bày vàng bạc châu báu ra sân để khoe giàu", hay mấy trò đơn giản như lội nước, đánh cá trên sông thì đến Vua Lê Ngọa Triều có nhiều thú vui quái dị, như các trò hành hạ tội nhân man rợ mà sử sách đã hết lời chê trách. Ít man rợ hơn là việc "giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, khiến các vương đều sợ, vua lấy làm thích".

Vua chúa Đại Việt chơi sang cỡ nào? - Ảnh 2.

Lễ hội thời xưa.

Các thú chơi của quý tộc ở thời Trần mang tính tao nhã hơn nhiều. Sử viết, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. "So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế", các quan chép sử khen ngợi. Thời Trần Dụ Tông, năm 1362, nhà vua lệnh cho các nhà vương hầu, công chúa dâng các trò tạp hý vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho. Trước đấy, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, khi đánh Toa Đô, quân ta bắt được người phường hát là Lý Phương Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu phương Bắc. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy và các gia đình vương tôn quý tộc cũng nuôi con hát từ đấy.

"Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết thêm về một trò chơi của các quý tộc nhà Trần. Đó là chuyện diễn ra năm Bính Ngọ (1126): "Vua ngự điện Thiên An xem các vương hầu đá cầu". Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong sách "Lý Thường Kiệt", mô tả trò đánh cầu của quý tộc thời Trần mà ta thấy giống khúc côn cầu trên ngựa ở phương Tây: "Hai bên tả hữu dựng hai cửa gỗ gọi là cầu môn cao độ hơn một trượng. Vương hầu dự chơi chia làm 2 phe mặc áo vóc màu sắc khác nhau. Trước thềm bày 2 giá cờ, hễ bên nào được thì cắm vào giá bên ấy 1 lá cờ. Có khi thì chơi chạy bộ đánh phết, có khi thì chơi cưỡi ngựa đánh phết. Người ngồi trên ngựa một tay cầm cương, tay kia cầm gậy dài để đánh quả phết. Đánh phết có nhạc đi kèm. Bắt đầu chơi thì nhạc nổi lên. Lúc tranh quả phết thì trống đánh rây. Quả phết đến gần thì trống giục càng mau. Lúc quả phết lọt qua cửa thì gióng lên 3 hồi trống. Chơi được một hồi lâu, vương hầu lại nghỉ uống rượu, xong lại đánh tiếp".

Chi tiết về chuyện đá cầu, "Toàn thư" kể chuyện có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi ngề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua Trần Anh Tông sai dạy thái tử các nghề ấy. Cách làm quả cầu của Trần Cụ là cân nhắc các múi da, cho 12 múi cân nhau, duy 3 múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bóng lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.

Ông cha ăn chơi tao nhã là thế, mà sang đến thời Trần Dụ Tông thì nhà vua chỉ còn lấy đánh bạc, uống rượu làm thú vui. Nhà vua từng cho gọi các nhà giàu trong nước, như ở làng Đình Bảng ở huyện Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc làm vui. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, 3 tiếng đã lên tới gần ngàn quan. Vua còn tổ chức thi uống rượu, ai uống được nhiều sẽ được thăng thưởng. Có viên Chánh chưởng phụng cung Vĩnh An là Bùi Khoan lập mẹo uống vờ hết 100 thăng rượu, được thưởng tước 2 tư (thăng 2 cấp bậc).

Sử thần Phan Phu Tiên đời Lê đã bình luận: "Dù pháp luật nhà Trần xử nghiêm hành vi đánh bạc nhưng đến đời Dụ Tông thì nhà vua lại công nhiên tổ chức. Người trong nước bắt chước cái dở ấy thành ra không thể ngăn cấm được nữa. Cờ bạc thành tệ nạn rồi dẫn đến mất nước".

Sang đến thời Lê trung hưng, thì mọi thú chơi sành điệu nhất nước đều tập trung vào phủ chúa Trịnh. Tác giả Nguyễn Án tả trong tập ký sự "Tang thương ngẫu lục", kể về lễ Trung thu xa hoa trong phủ chúa: "Mỗi năm, đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá nhiều lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở rìa đường, bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả, rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi... Nửa đêm chúa ngự đến ao, xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vùn vụt và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên chơi cung Quảng Hàn mà nghe khúc nhạc Quân Thiên. Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, mãi đến gà gáy mới về".

Lê Long
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN