"Toàn bộ lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ LĐTBXH. Phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn", Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4.
Sáng nay, 29/5 hơn 500 đại biểu tham gia trực tiếp Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Nhiều câu hỏi liên quan tới lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các nông dân gửi tới người đứng đầu Chính phủ.
Đây là Hội nghị đối thoại lần thứ 4 của Thủ tướng Chính phủ với nông dân. Chủ đề của Hội nghị đối thoại lần này là: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Tham dự hội nghị chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng đặt câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ: "Muốn thực hiện thành công việc xây dựng thế hệ nông dân thông minh thì công tác đào tạo nghề cho nông dân rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho nông dân còn mang tính hình thức. Vậy, Chính phủ cần có chính sách đột phá gì về đào tạo nghề cho nông dân, để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp?".
Trả lời câu hỏi theo ủy quyền của Thủ tướng, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại nhiều kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến tích cực về việc làm, thu nhập khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Chính phủ đã giao Bộ đã chủ trì, xây dựng Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn", trong đó, tập trung các giải pháp đột phá, khai thác các nguồn vốn văn hóa ở các vùng miền, tạo động lực để người dân khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao đời sống vật chất của người dân và đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung đổi mới của Đề án tập trung vào các vấn đề:
Thứ nhất là đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khởi nghiệp cho lao động nông thôn.
Thứ hai là đổi mới phát triển chương trình, giáo trình, học liệu.
Thứ ba là đổi mới trong việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, cần hình thành một thói quen, người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình.
Thứ tư là đổi mới về cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc làm, doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thứ năm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Thứ sáu là đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo ông Dung, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã bố trí rất nhiều kinh phí cho đào tạo nghề nhưng khi về địa phương bị cắt xén nhiều khiến công việc này gặp nhiều khó khăn, hạn chế... Lãnh đạo Bộ LĐTBXH đề nghị cần phân bổ lại nguồn lực về địa phương để đào tạo nghề cho hiệu quả.
Về vấn đề đổi mới trong đào tạo nghề, ông Dung tán thành quan điểm phải chú trọng công tác tuyên truyền. "Trước đây, vào mỗi buổi sáng, trên truyền hình, sau thời sự là đến chương trình bàn kinh nghiệm làm giàu nêu những vấn đề rất hay, thiết thực, nhưng nay không còn", ông Dung bày tỏ tiếc nuối.
Ông Dung cũng chia sẻ thêm, năm 2010, khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bà con chưa có thói quen trồng ngô, tỉnh đã gọi sinh viên nông nghiệp lên giúp bà con và bà con trồng ngô rất hiệu quả. Vì thế, đối với bà con chưa biết thì cầm tay chỉ việc mới đạt hiệu quả cao.
Bàn thêm về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì ngoài tài liệu, kiến thức thông qua kiến thức học ở lớp thì chúng ta phải xây dựng cho tập huấn tại các mô hình, các vùng sẽ rất hiệu quả.
"Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng và đưa giải pháp này vào chương trình mục tiêu quốc gia để tạo đột phá cho đào tạo nghề lao động ở khu vực dân tộc miền núi", ông Lềnh nói.
Trao đổi thêm về vấn đề đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn, bà GS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tôi rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay.
Theo GS Lan, để phát triển nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ, ngoài các giải pháp về tài chính thì vấn đề nguồn nhân lực được coi là cốt lõi.
"Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 75% đã được đào tạo, nhưng chỉ có hơn 24% có chứng chỉ hành nghề, thuộc diện thấp trong khối ASEAN. Thủ tướng đã phê duyệt chương trình chiến lược trong đào tạo nghề. Do đó, thời gian tới chúng ta phải coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại".
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH
"Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực, nếu chúng ta không làm tốt điều này thì sẽ ko quan tâm đến đào tạo. Chúng ta cần phải có quy hoạch về cơ sở đào tạo, ai đào tạo và đào tạo như thế nào... từ đó chúng ta phải xây dựng các cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Trong đó, các cơ sở phải đào tạo phải chú trọng hơn tới các kiến thức về hội nhập, chuyển đổi số, quản trị, tiếp cận làm theo các chuỗi giá trị...", bà Lan kiến nghị.
Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, đổi mới đào tạo nghề theo hướng nào luôn là câu hỏi khó, nhưng có thể tư duy thực hiện đổi mới theo hướng sau:
Đầu tiên có thể hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình, điều này rất quan trọng và Bộ LĐTBXH mong thời gian tới Hội Nông dân sẽ phối hợp với chúng tôi và Bộ Nông nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ hai là đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và định hướng cho nông dân và đối với từng vùng thì cách làm phải khác nhau. Phải phân loại, đối với với nông dân trình độ thấp, trình độ chưa tương xứng thì cầm tay chỉ việc.
Thứ ba là đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để gắn với sinh kế lao động, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong 3 chương trình Mục tiêu quốc gia hiện nay bố trí rất nhiều nguồn kinh phí cho đào tạo nghề, nhưng khi về địa phương lại cứ cắt xén đi, đã ít rồi lại còn cắt xén nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy nên tôi đề nghị thời gian tới tăng cường kiểm tra, giám sát để tăng hiệu quả nguồn vốn dành cho đào tạo nghề.
"Phân vai, phân công trách nhiệm rõ ràng. Toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ NNPTNT và Chủ tịch UBND tỉnh. Toàn bộ lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ LĐTBXH. Phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn", ông Dung nhấn mạnh.
Kết luận tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 9 giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các vấn đề, nội dung thảo luận, trao đổi tại Hội nghị đối thoại góp phần bổ sung căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sông nông dân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
"Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ để cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng.
Trước đó, trong phần đối thoại trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chi kinh phí xã hội hóa ngay để mua sách dạy nghề cho nông dân. Điều này chứng tỏ được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với công tác đào tạo nghề cho nông dân.