TTVH Online

Ống thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ tại Mỹ

Phong Cầm 29/05/2022 18:25 GMT+7

Các nhà sản xuất, xuất khẩu mặt hàng ống thép của Việt Nam bị cáo buộc nhập khẩu thép nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc sau đó gia công và xuất khẩu sang Mỹ.

Ống thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế

Mỹ đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam.

Ống thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ tại Mỹ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc sau đó gia công và xuất khẩu sang Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa nhận đơn kiện đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn.

Các sản phẩm này chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 được nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn trong vụ việc này gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ (như Nucor Corporation, Bull Moose Tube, Maruichi Steel Corporation…).

Doanh nghiệp Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS), vốn là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc và Hàn Quốc, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp sản phẩm ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá lần lượt là 69,20 - 85,55% và 249,12 - 264,64% và mức thuế chống trợ cấp khoảng 29,57 - 615,92% và 2,17% - 200,58% từ năm 2008.

Đối với Hàn Quốc, Mỹ cũng đã áp thuế chống bán phá giá sản phẩm ống thép carbon dạng tròn có đường hàn nhập khẩu từ nước này với mức 4,91 - 11,63% từ năm 1992.

Dữ liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ khoảng 57,6 triệu USD.

Theo quy định của Mỹ, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn, DOC sẽ ra quyết định khởi xướng vụ việc (có thể được gia hạn).

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ống thép bị điều tra sang Mỹ; nghiên cứu thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ và phối hợp với Cục trong quá trình của vụ việc.

Cục sẽ phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam rà soát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan để tìm hiểu về tình hình sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ, ngăn chặn các dấu hiệu, hành vi lẩn tránh (nếu có).

Được biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Theo Bộ Công Thương, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết quý I năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. 

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7 năm 2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. 

Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.



P.V
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN