TTVH Online

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo: Thống nhất với các quy định

Phong Cầm 03/06/2022 06:38 GMT+7

Bộ GDĐT xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.

Trong dự thảo có đề xuất: Bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đã là nhà giáo phải có phẩm chất, đạo đức tốt

Ngày 2/2/2021, Bộ GDĐT ban hành theo thẩm quyền các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 01 - 04) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Theo chùm Thông tư này, “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” được quy định riêng theo từng hạng giáo viên.

Cụ thể, giáo viên hạng III là: Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử... Đối với giáo viên hạng II: Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”. Còn với giáo viên hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như quy định tại Thông tư 01 - 04 là không phù hợp và không cần thiết. Cô Lê Thị Hồng An – giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) - nêu quan điểm, nghề nào cũng cần có đạo đức. Là nhà giáo càng cần phải có phẩm chất tốt, những việc làm phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Vì thế, không nên quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp theo kiểu “thứ hạng” như Thông tư 01 - 04 đã đề cập.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Lan – giáo viên Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) - băn khoăn: Đạo đức là giá trị chung nên không thể định lượng. Vì thế, việc quy định đạo đức theo từng hạng, nhóm rất miễn cưỡng. Hơn nữa, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo đã được Luật Viên chức, Luật Giáo dục quy định.

Theo đó, bất kỳ ai khi bước chân vào nghề dạy học đều phải thực hiện chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Vì thế, không nên phân biệt đạo đức theo “thứ hạng” cao thấp. “Rất mừng, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của giáo viên nên đề xuất bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp. Qua đó, gỡ bỏ những băn khoăn, tâm tư của đội ngũ nhà giáo” – cô Lan chia sẻ.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo: Thống nhất với các quy định - Ảnh 1.

Cô Lê Thị Hồng An trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Không “phân hạng đạo đức”

Hoan nghênh Bộ GDĐT đã dự thảo bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) - viện dẫn: Theo Luật Giáo dục, đạo đức nghề giáo là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Ngoài ra, Luật Viên chức có quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức.

Vì thế, nếu áp dụng các tiêu chí đạo đức theo thứ hạng giáo viên được quy định tại Thông tư 01 - 04 là rất khó. Vô hình trung, tạo ra những ý kiến trái chiều, khiến giáo viên tâm tư. “Hiện, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đánh giá đạo đức giáo viên theo Luật Giáo dục và bằng chính bản nhận xét của học sinh. Đây là cách lượng hóa các tiêu chí định tính” – TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, đồng thời quả quyết: Đề xuất bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp là hợp tình, hợp lý.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), khi triển khai các Thông tư 01 - 04, có ý kiến cho rằng, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như quy định tại chùm Thông tư này không phù hợp và không cần thiết. “Thực tế, bản chất các quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo từng hạng chức danh nghề nghiệp tại Thông tư 01 - 04 không phải là “phân hạng đạo đức” - đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ.

Giáo viên ở tất cả hạng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung (như đã quy định cho giáo viên ở hạng thấp nhất tương ứng với mỗi cấp học) nhưng mức độ yêu cầu khác nhau theo hướng giáo viên ở hạng cao thì yêu cầu mức độ đáp ứng, tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp cao hơn. Qua đó, nhằm bảo đảm có thể thực hiện tốt vai trò của người giáo viên tiên phong trong công tác giảng dạy, giáo dục và người hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp.

“Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông (đã được thay thế bởi Thông tư 01 - 04), Bộ GDĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở các hạng” - đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý chia sẻ.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, mọi giáo viên ở bất kỳ hạng nào, có thâm niên nhiều hay ít, ở bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng phải bảo đảm có chuẩn về đạo đức nghề nghiệp nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại.

Minh Phong
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN