Định thường đi đến những nơi hoang sơ ít người lui tới, bắt cá, chế biến thưởng thức ngay tại bờ. Anh quay, chụp lại các hình ảnh về cuộc sống "hoang dã" của mình rồi chia sẻ lên kênh Youtube cá nhân.
Vốn yêu thích lập trình và sáng tạo, Nguyễn Xuân Định (27 tuổi, quê Khánh Hòa) đã xin vào làm kỹ sư cho một tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại TPHCM và sở hữu mức lương hấp dẫn.
Mỗi ngày trôi qua với Định khá êm đềm và anh cũng không cảm thấy có bất cứ một áp lực nào từ công việc. Tuy nhiên, công việc hiện tại không thể giúp Định thực hiện được một ước muốn mà anh ấp ủ bấy lâu.
Xuân Định tâm sự, anh từng đi công tác ở nhiều nơi, trong đó có Ấn Độ, mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 tháng. Thời gian đó, anh thường làm quen với những người bạn địa phương và trải nghiệm cuộc sống ăn, chơi, ngủ nghỉ như người Ấn Độ. Được truyền cảm hứng từ những người bạn này, Định luôn mong muốn được trải nghiệm cuộc sống du lịch kéo dài kiểu bán du mục, hoang dã.
Anh tự đặt câu hỏi để dễ dàng đưa ra quyết định. "Tôi tự hỏi mình rằng, liệu bản thân có muốn 5 năm, 10 năm sau vẫn làm kỹ sư ngày 8-14 tiếng ở văn phòng không?. Và câu trả lời cuối cùng của tôi là không", Định kể với Dân trí.
Chia sẻ kế hoạch này với gia đình, Định khá bất ngờ vì được mọi người ủng hộ. Có lẽ vì chàng kỹ sư đã cho gia đình thấy bản thân có khả năng thích nghi môi trường cao, có thể chủ động về tài chính nên không ai phản đối cả.
Năm 2020, chàng kỹ sư quyết định chọn đảo Phú Quý (Bình Thuận) - hòn đảo anh chưa từng ghé thăm, không bạn bè, không người quen làm điểm đến thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số việc phát sinh, tới tháng 4/2022, anh mới có thể bắt đầu cuộc sống ở đây.
Để chuẩn bị cho những ngày sống ở đảo, Xuân Định đã rút hết tiền bảo hiểm xã hội và tiền tiết kiệm dành dụm bấy lâu. "Số tiền này cũng kha khá vì tôi đã làm việc được 3 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 4/2022, nó cũng đã gần cạn sau hai năm dịch bệnh. Đến khi ra đảo, tôi chỉ còn đủ tiền chi tiêu cho một tháng", Định cho hay.
Thời gian đầu, Xuân Định thuê khách sạn ở theo tháng. Định đàm phán được giá tốt bằng phương án sẵn sàng nhường phòng bất cứ khi nào chủ cần. Cứ như vậy, những ngày đông khách, Định sẽ ra hành lang ngủ để nhường phòng cho người thuê.
Thời gian điểm tháng 4, tháng 5/2022, du khách đổ xô về Phú Quý sau khoảng thời gian bị chôn chân vì dịch bệnh. Thấy vậy, Định đã "né" những nơi đông đúc và đi tới những nơi hoang vu hơn để tắm nắng, tập yoga, chạy bộ… Không khí trong lành khiến chàng trai trẻ cảm thấy vô cùng thoải mái. Mỗi ngày, anh lại khám phá được vô số điều thú vị.
Khi túi tiền dần cạn, Xuân Định tính tới phương án tìm việc làm. Phú Quý là hòn đảo du lịch nên anh quyết định bám vào du lịch để sinh sống. Anh chọn làm nghề hướng dẫn viên.
Chàng kỹ sư kể, mỗi tháng, Định nhận khoảng 5 tour tham quan đảo. Công việc của anh sẽ bắt đầu từ 6h sáng đến 10h tối. Anh có nhiệm vụ tư vấn và sắp xếp lịch trình phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau.
Anh không muốn dẫn khách đi theo một lịch trình rập khuôn nào. Điều mà một hướng dẫn viên tay ngang như Định muốn gửi tới du khách là cảm giác được bạn bè đưa đi chơi hơn là đi cùng một hướng dẫn viên.
Tháng 6, tháng 7 là cao điểm du lịch hè, mỗi ngày, anh dẫn 2 tour khách trải nghiệm chèo SUP, lặn biển, săn bắt hải sản... Tour sáng kéo dài từ 7h30-11h, tour chiều từ 14h30-19h. Buổi tối, anh sẽ đưa khách đi ăn hoặc tham gia cắm trại, ăn đồ nướng bên bờ biển cùng bạn bè.
Những lúc rảnh rỗi, Định thường đi đến những nơi hoang sơ ít người lui tới, bắt cá, chế biến thưởng thức ngay tại bờ. Anh quay, chụp lại các hình ảnh về cuộc sống "hoang dã" của mình rồi chia sẻ lên kênh Youtube cá nhân.
"Tôi xây dựng kênh Youtube để truyền chút cảm hứng cho những người khác mạnh dạn sống cuộc sống mình mong muốn", Xuân Định nói.
Trải qua ba tháng trên đảo, Định càng nhận thấy quyết định của mình là đúng đắn. Chàng kỹ sư dự định ở lại đảo Phú Quý thêm một năm nữa, sau đó sẽ di chuyển tới Phú Quốc, xa hơn là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Kyrgyzstan…