Mất liên hệ với thế giới bên ngoài, người dân ở khu vực bị chia cắt tại Pakistan ném giấy cho nhóm phóng viên của BBC đề nghị giúp đỡ do nghĩ rằng đây là quan chức địa phương.
“Chúng tôi cần hàng tiếp tế. Chúng tôi cần thuốc men và và hãy xây lại cây cầu. Giờ đây chúng tôi không còn gì”, người dân gửi những mảnh giấy viết tay cho nhóm phóng viên BBC tại hiện trường.
Thung lũng Manoor nằm ở Kaghan - một khu vực du lịch nổi tiếng ở miền Bắc Pakistan. Trong đợt lũ lụt lần này, ít nhất 15 người tại đây đã thiệt mạng. Lũ quét đã cuốn đi cây cầu bê tông duy nhất nối thung lũng và thành phố lớn. Kể từ đó, mọi người dân sống bên kia sông bị chia cắt, khiến người dân chỉ còn cách chờ được giúp đỡ.
Để đến được thung lũng, nhóm phóng viên BBC phải trải qua quãng đường đầy nguy hiểm với nhiều khu vực bị tàn phá do lũ lụt và lở đất.
Tại Manoor, hai cây cầu đã hoàn toàn đổ sập, buộc người dân dựng tạm một cây cầu gỗ để thay thế. Nhóm phóng viên gặp một người phụ nữ ngồi bên đồ đạc của mình. Bà cho biết có thể thấy nhà mình, nhưng không thể đến đó.
“Nhà tôi và các con tôi ở bên kia sông. Tôi đã chờ hai ngày, hy vọng giới chức trách sẽ đến và sửa cây cầu. Tuy nhiên, giới chức nói rằng chúng tôi nên vòng qua bên kia ngọn núi để về nhà. Hành trình này tốn từ 8 đến 10 giờ. Tôi già rồi, sao có thể đi xa đến vậy chứ?”, bà nói.
Bà chờ thêm một vài phút và rời đi khi trời mưa trở lại và nước dưới cây cầu tạm bắt đầu dâng lên.
Bên kia sông, nhiều người ngồi bên ngoài các căn nhà làm bằng bùn đất, vẫy tay với nhóm phóng viên vì nghĩ rằng họ là quan chức chính phủ.
Một số người ném sang bờ sông bên này những mẩu giấy được gói cùng các hòn đá trong túi nylon. Đây là cách duy nhất giúp họ liên lạc với phần còn lại của ngôi làng trong những ngày qua. Nơi đây không có sóng di động.
Thông điệp viết tay trên đó chứa đựng thông tin về những thiệt hại của họ, cũng như yêu cầu chuyển hàng cứu trợ và thuốc men cho những người bị mắc kẹt.
“Nhiều người bị bệnh mà không thể đi bộ rời làng. Hãy xây lại cầu, đây là con đường đi duy nhất nối tới thành phố”, một mẩu giấy viết.
“Chúng tôi cần hàng cứu trợ. Chúng tôi cần xây đường”, ông Abdul Rasheed, 60 tuổi, cho biết. Ông đã mất một cỗ xe kéo - vốn là công cụ lao động duy nhất mà ông sở hữu - do lũ lụt.
“Có nhiều người khác cũng mất tài sản và nguồn thu nhập”, ông nói. “Họ cần giúp đỡ. Họ cần thực phẩm. Ở đây vốn có một khu chợ nhỏ, nhưng đã bị lũ cuốn đi rồi. Nhà tôi ở bên kia và tôi sẽ phải đi bộ 8 tiếng để về nhà. Ở độ tuổi này, sao tôi có thể làm vậy được chứ”.
Lũ lụt cũng khiến nhiều cửa hàng và khách sạn - như cửa hàng sửa điện thoại của Soheil và em trai - bị phá hủy. Soheil cho biết anh phải nuôi ba gia đình và không chắc chắn về tương lai.
“Tôi không biết phải làm gì. Không ai đến giúp đỡ chúng tôi như những gì chúng tôi đáng được hưởng. Mọi chủ cửa hàng tại đây đều lo lắng. Họ đều là những người khó khăn nhưng phải nuôi cả một gia đình lớn”, Soheil nói. “Các quan chức và chính trị gia chỉ đến đây để chụp ảnh và vui chơi. Họ đến, chụp ảnh và rời đi. Không ai giúp chúng tôi”.
Phó lãnh đạo huyện phụ trách khu vực Kaghan cho biết một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn toàn diện đã lập tức được triển khai. Mọi khách sạn đã được sơ tán, và việc đánh giá thiệt hại về tài sản đã bắt đầu.
“Chúng tôi đã hoàn thiện đánh giá và các nạn nhân sẽ sớm được bồi thường”, ông nói. “Cây cầu cũng đã bắt đầu được xây dựng lại, nhưng quá trình này sẽ tốn thời gian”.
Người dân trong khu vực cho rằng chính phủ và giới chức địa phương phải chịu trách nhiệm vì cho phép xây các khách sạn ngay sát bờ sông.
“Các khách sạn và khu chợ này ngăn dòng chảy tự nhiên, khiến thiệt hại gia tăng do lũ lụt - điều có thể ngăn chặn dễ dàng”, một cư dân tại Kaghan nói.
Nhiều khách sạn bên bờ sông Kunhar ở Kaghan và các thung lũng lân cận đã bị phá hủy. Một đồn cảnh sát và một ngôi trường tôn giáo cũng chịu số phận tương tự.
Cách đồn cảnh sát vài trăm mét, một gia đình sinh sống trong căn lều tạm bên bờ sông. Họ cho biết tám thành viên trong gia đình đã bị lũ cuốn trôi.
Lũ lụt gây ra bởi mưa lớn tại Pakistan đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Giới chức nước này ước tính ít nhất 700.000 ngôi nhà đã bị phá hủy.
Các tỉnh Sindh and Balochistan chịu tác động nặng nề nhất của lũ lụt, nhưng các vùng núi như tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cũng bị ảnh hưởng.
Quân đội Pakistan đã được huy động để hỗ trợ các cơ quan cứu nạn tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ở nhiều nơi, lực lượng cứu trợ chỉ có thể tiếp cận người dân bằng trực thăng.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman tuyên bố nước này đang phải đối mặt với “thảm họa khí hậu nghiêm trọng, một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ”.
“Pakistan chưa từng phải đối mặt với đợt mưa như trút liên tục như vậy. Điều này khác xa so với mùa mưa thông thường”, bà Rehman nói.
“Trận lụt năm 2010 khiến một phần năm diện tích Pakistan chìm trong biển nước. Trận lụt lần này còn tồi tệ hơn”, bà Rehman bổ sung. “Giờ đây, một đại dương nước đang nhấn chìm nhiều quận huyện của Pakistan trong mùa mưa chưa từng có”.