Tối 2/9, trao đổi với Dân Việt, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng kiểm lâm đã xuống xã Chí Công, huyện Tuy Phong để tìm cách đưa một cá thể voọc Chà Vá chân xám vừa xuất hiện trong khu vực khu dân cư, để có giải pháp đưa trở lại rừng...
Thông tin từ UBND xã Chí Công cho biết, sau khi nắm bắt thông tin, xã đã tuyên truyền, yêu cầu người dân không xâm hại đến voọc Chà Và và báo lên các cơ quan chức năng trong đó có ngành kiểm lâm...
Theo Hạt Kiểm lâm Tuy Phong, ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan này đã cử người và huy động thêm nhưng người am hiểu chuyên môn, đến nơi vây bắt cá thể voọc Chà Vá để đưa trở lại rừng.
Nhưng do cá thể voọc Chà Vá chân xám rất nhát, luôn leo trên cây cao để tránh mọi người nên mọi việc vay bắt gặp khó khăn, chưa bắt được...
Clip: Cá thể voọc Chà Vá xuất hiện kiếm ăn trên nóc nhà của người dân ở xã Chí Công huyện Tuy Phong
Được biết, voọc Chà Và là động vật nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên).
Còn tại Việt Nam, voọc Chà vá chân xám sinh sống theo quần thể, thường sống ở khu vực trung Trường Sơn, thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai và một số tỉnh Tây Nguyên...
Trước đó vào tháng 4/2020, một đàn voọc Chà Vá chân đen hàng trăm con cũng bất ngờ xuất hiện hơn xuất hiện trong phạm vi rừng phòng hộ (trên địa bàn ba xã: Phước Dinh, Phước Diêm và Phước Minh huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận) để kiếm ăn. Chúng đi theo bầy, thường ngồi trên các tảng đá lớn, leo trèo trên những cây cóc rừng, bứt lá non ăn.
Đàn voọc này có lông màu đen, mặt trắng, đuôi trắng, con lớn nặng chừng 10 kg và mỗi bầy 7-15 con. Theo các nhà chuyên môn, quần thể voọc chà vá chân đen này là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới.
Lâu nay, chúng sống trên các dãy núi, cao 600 – 700 m, ẩn trong hốc đá, rất khó bắt gặp. Năm nay hạn hán, cây cối trên núi đá khô cằn, các khe nước tự nhiên cũng cạn khô, nên chúng kéo xuống những nơi trũng hơn để kiếm nguồn nước uống và thức ăn, duy trì sự sống.