“Ngày đầu, nghe tôi trồng chanh bán, bà con trong vùng nói chỉ đem ra sông Vàm Cỏ Đông đổ chứ ai mua. Giờ nhìn lui tôi thấy trong tay mình có hàng trăm tỷ đồng mà ngỡ ngàng”, bà Bùi Thị Ba, nông dân trồng chanh (xã Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An) thổ lộ.
Hiện, nông trang Hải Âu của bà Ba có 13ha trồng chanh. Ngoài ra, bà Ba còn liên kết thu mua chanh cho hàng trăm trong dân trồng chanh trong vùng.
Nhiều người biết đến bà Ba trồng chanh với biệt hiệu "Nữ hoàng chanh không hạt" thu tiền tỷ mỗi vụ chanh. Nhưng ít người biết vì sao người phụ nữ hai bàn tay trắng này lại trở nên thành công như thế.
Ngay như bà Ba ngay những ngày đầu trồng 2ha chanh cũng nghi ngờ "ai ăn chanh nhiều như vậy".
Bà Ba kể, năm 2004, bà đến Viện Cây ăn quả miền Nam nhờ tư vấn mua giống cây ăn quả về trồng. Viện giới thiệu giống chanh không hạt và mận An Phước.
"Tôi nghĩ mận chỉ để ăn chơi nên chọn mua giống chanh không hạt", bà Ba cho biết.
Đến ngày thu hoạch chanh, ôm hàng chục tấn chanh tươi trong nhà bà Ba không biết bán cho ai. Bí quá, bà bỏ 5 – 10kg chanh lên xe máy rồi chở đến các chợ đầu mối ở Sài Gòn gửi cho tiểu thương. Kèm trong mỗi túi chanh ký gửi có mảnh giấy ghi số điện thoại và tên của bà Ba.
Sự trông đợi của bà Ba rồi cũng có kết quả. Cuối cùng cũng có tiểu thương đặt mua chanh. Lúc đầu là vài kg dần dà lên cả 100kg.
"Có lúc tôi phải chạy xe máy 40km để bán chục kg chanh", bà Ba bộc bạch.
Sau khi tìm được chỗ đứng cho sản phẩm chanh trong các chợ truyền thống, bà Ba lấn sân đưa chanh mình trồng vào hệ thống siêu thị. Mục tiêu bà Ba nhắm đến là hệ thống Metro rải rác khắp cả nước.
Năm 2008, bà Ba liên hệ đưa chanh vào hệ thống Metro. Quản lý Metro than, sợ kiểu làm ăn của nông dân trong năm bán chanh được đôi ba tháng rồi kêu hết hàng, nên không nhận chanh của bà.
Clip: Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân thăm cơ sở trồng chanh xuất khẩu của bà Ba. Clip: Trần Đáng
"Tôi năn nỉ anh quản lý cho tôi một cơ hội. Tôi sẽ ký gửi chanh cho anh ta 3 tháng. Qua 3 tháng, nếu siêu thị lấy chanh mà tôi không có thì đừng trả tiền chanh đã ký gửi trước. Còn nếu tôi đảm bảo nguồn hàng đều đặn thì xin hãy giúp tôi, giúp nông dân", bà Ba cho biết.
Cuối cùng, quản lý hệ thống Metro chấp nhận lấy chanh của bà Ba. Thật ra, khi chấp nhận "chơi" với hệ thống Metro, bà Ba đã có kinh nghiệm 3 năm trồng và bán chanh cho các siêu thị Big C, Co.op Mart, Satra.
Bà Ba cho biết, lúc bấy giờ, mặt hàng chanh Metro bán ra 60.000 đồng/kg, nhưng bà Ba bỏ có 14.000 đồng/kg.
"Họ lời to. Vì thế, sản lượng chanh tôi cung cấp cho Metro ngày càng tăng dần", bà Ba cho biết.
Để có đủ chanh và cung cấp đều đặn hàng ngày cho hệ thống siêu thị, bà Ba phải thuê thêm 30ha đất làm vùng nguyên liệu trồng chanh. Không những thế, vài năm gần đây, bà đã tăng cường xuất khẩu chanh ra thị trường nước ngoài.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bà Ba đã xây dựng thương hiệu chanh không hạt VICA. Năm 2007, chanh không hạt đã được bày bán tại nhiều siêu thị. Từ năm 2009 đến nay, chanh không hạt VICA xuất khẩu ra thị trường nước ngoài khá ổn định.
Hiện, mỗi ngày bà Ba thu mua 30 – 40 tấn chanh. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày bà Ba thu cả 100 tấn chanh. Hiện, trung bình bà Ba xuất khẩu 4 container chanh/tuần (23 tấn/container).
Mới đây, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã đến thăm cơ sở trồng và xuất khẩu chanh của bà Ba. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá, qua năm tháng bà Ba luôn "cháy bỏng làm giàu".
Theo ông Lê Văn Nam, Trưởng phòng NNPTNT huyện Bến Lức, huyện đang có 6.800ha diện tích trồng chanh. Vựa chanh lớn nhất tỉnh Long An này có khoảng 85% diện tích trồng chanh xuất khẩu. Trong đó, hơn 50% chanh xuất khẩu sang Trung Đông, 15% xuất sang châu Âu…