Xung quanh vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, chuyên gia pháp lý cho biết, dù pháp luật có quy định việc đặt tiền đảm bảo để thay đổi biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà việc này chưa được áp dụng nhiều trên thực tiễn.
Về việc con trai bà Nguyễn Phương Hằng xin nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh cho mẹ tại ngoại, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định của pháp luật, bị can đang bị tạm giam để điều tra có thể được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng "đặt tiền để bảo đảm" theo quy định tại Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc được người thân bảo lĩnh để chuyển sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú theo Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự.
Đặt tiền để bảo đảm là thủ tục, điều kiện thay đổi biện pháp ngăn chặn là tạm giam được Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định tại Điều 122.
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Theo ông Cường, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây là biện pháp lần đầu tiên quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và gần như chưa được áp dụng nhiều trên thực tế bởi nhiều lý do khác nhau.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Sau khi được đặt tiền bảo đảm và được thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng nếu có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Sau đó, cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị viện kiểm sát phê chuẩn. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án.
Trường hợp viện kiểm sát có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Thời hạn đặt tiền để bảo đảm không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng, đặt tiền để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn và số tiền này phải nộp vào tài khoản của cơ quan thi hành án và phải có biên lai hóa đơn đầy đủ.
Trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ, số tiền này sẽ sung công quỹ nhà nước và sẽ bị bắt tạm giam trở lại.
Vì vậy, dù pháp luật có quy định việc đặt tiền đảm bảo, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau mà biện pháp này chưa được áp dụng nhiều trên thực tiễn vì tương đối nhạy cảm, phức tạp và chưa tạo thành thói quen pháp lý.
Thông thường, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng biện pháp bảo lĩnh theo quy định của pháp luật để thay đổi biện pháp ngăn chặn nếu có căn cứ cho thấy bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Hoặc khi cơ quan tiến hành tố tụng có niềm tin rằng bị can được thả ra sẽ không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội, không cản trở hoạt động điều tra...
Còn trường hợp vụ án phức tạp, gây dư luận xấu, không có căn cứ cho thấy bị can thành khẩn khai báo, có thể xảy ra trường hợp bị can bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, cản trở hoạt động điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thay đổi biện pháp ngăn chặn.