TTVH Online

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và 13 văn kiện hợp tác: Việt Nam đầy sức "quyến rũ"

Phong Cầm 05/11/2022 07:00 GMT+7

Trò chuyện với Dân Việt, GS-TSKT Võ Đại Lược nói nếu ai đó nói rằng Việt Nam muốn tận dụng thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc trong thập kỷ mới để thay thế thị trường khác thì họ đã quá lầm tưởng và ngô nghê về mặt kinh tế địa chính trị. Thực tế, Việt Nam đầy sức quyến rũ với các cường quốc khác trên thế giới.

13 Văn kiện hợp tác tạo bản lề cho hiện thực hoá chủ trương, hành động

Trong chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc". Theo đó, 13 văn kiện giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được ký kết. Đánh giá về kết quả này, trò chuyện với Dân Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Kinh tế Chính trị Thế giới, GS-TSKH Võ Đại Lược cho rằng, những văn kiện tạo bản lề khơi thông quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai nước, tạo bản lề để hiện thực hoá mục tiêu ổn định, hợp tác và phát triển.

Thưa GS, dưới góc độ nhà phân tích chính trị, kinh tế, ông có đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc và việc ký kết 13 văn kiện hợp tác giữa hai nước ra sao?

- Chuyến thăm là lời khẳng định, Việt Nam chúc mừng Trung Quốc đại hội đảng thành công, sau đó là ký kết nhiều văn bản hợp tác mang tính văn kiện lớn, tạo bản lề về chủ trương, đường lối cho hai Đảng, hai nước trên hầu hết các lĩnh vực.

GS, TSKH Võ Đại Lược: Việt Nam và Trung Quốc thể hiện thông điệp tươi sáng, trân trọng và phát triển - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón trọng thị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh TTXVN).

Giới quan sát và học giả cả hai nước đều tán đồng rằng việc ký kết 13 văn kiện ở nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và văn hoá là bước mở rộng và nâng tầm quan hệ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, chắc chắn quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được nâng tầm cao hơn.

Vấn đề cam kết giữa hai người đứng đầu hai Đảng, hai Nhà nước đã được thể chế hoá rồi, việc thực thi, hiện thực hoá cam kết đó là phải có sự nỗ lực của Chính phủ, ban ngành và địa phương hai nước. 

Nếu trong cam kết 10, hai bên thực hiện thành công 6-7 là cố gắng và vui mừng lắm rồi bởi còn phù thuộc vào tình hình dịch bệnh, tuỳ thuộc vào cả phía Trung Quốc và cả Việt Nam. Tôi rất mừng là văn kiện hợp tác đó có lĩnh vực Công Thương, chuỗi sản xuất giữa hai nước. Việt Nam cần Trung Quốc ở việc nhập khẩu linh phụ kiện cho sản xuất, gia công trong nước và Trung Quốc cũng cần các sản phẩm nguyên phụ liệu của Việt Nam, đặc biệt là nông, thuỷ hải sản…

Có thể nói, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất thế giới nói chung và các nước có quan hệ mậu dịch lớn như Việt Nam nói riêng, giới phân tích nhận định, nhiều văn kiện hợp tác về công thương nghiệp, về chuỗi sản xuất chắc chắn thời gian tới quan hệ thương mại sẽ khôi phục và nâng tầm hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc?

- Thực tế, thời gian qua Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid-19 khiến nhiều ngành lĩnh vực không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước liên quan bị ảnh hưởng rất mạnh, trong đó có cả các ngành tưởng chừng như mua bán được toàn cầu như cơ khí chính xác, điện, pin, năng lượng mới.

GS, TSKH Võ Đại Lược: Việt Nam và Trung Quốc thể hiện thông điệp tươi sáng, trân trọng và phát triển - Ảnh 2.

Với 13 Văn kiện kiện hợp tác về kinh tế, chính trị, ngoại giao văn hoá và chuỗi sản xuất được ký kết nhân chuyến thăm, giới quan sát và nhiều nhà phân tích kỳ vọng rất lớn hiện thực hoá phát triển toàn diện giữa hai nước (Ảnh TTXVN).

Chính vì vậy, việc hiện thực hoá cam kết và khơi thông các chính sách phụ thuộc rất lớn vào hai bên. Tôi cho rằng nhất quán về quan điểm của lãnh đạo cấp cao là rất tốt, chúng ta chỉ cần giao thương hai nước bình thường hoá, giảm hạn chế do vướng mắc vì dịch bệnh đã là tốt cho bản thân doanh nghiệp rồi chứ không nói cao siêu.

Chúng ta đang chứng kiến một thế giới đầy xáo trộn, châu Âu đang đối diện với nhiều hơn nguy cơ "mùa đông lạnh". Kinh tế thế giới được dự báo suy thoái hậu Covid-19 do lãi suất Mỹ tăng nhanh, đồng tiền tăng giá… Đặt trong mối quan hệ này, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ chú trọng hơn vào thị trường tỷ dân, để khai thác, thay thế các thị trường khác khi bất ổn leo thang, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- Đúng là hiện tình hình thế giới và địa chính trị khu vực rất phức tạp. Nga và Ucraine đang giao tranh, các nước châu Âu có thể sẽ phải đối diện với mùa đông lạnh chưa từng có. 

Bức tranh kinh tế, chính trị ở khu vực khác như Đông Bắc Á, các vấn đề kinh tế cũng khiến nền kinh tế khu vực lao đao, đồng Yên mất giá nhanh so với USD, kinh tế Trung Quốc cũng không mấy sáng sủa, các vấn đề của địa chính trị khu vực cũng đang đòi hỏi các nước cùng ngồi lại để thiết lập trật tự mới, để vượt qua vòng xoáy khó khăn.

Cho nên, Việt Nam khai thông được với thị trường Trung Quốc sẽ khắc phục được những khiếm khuyết lớn của chúng ta.

Nguy cơ nền kinh tế toàn cầu bước vào đà suy thoái mới hậu Covid-19 ngày càng hiện diện rõ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tiếp, Mỹ và nhiều nước châu Âu, châu Á đang đối diện với nguy cơ lạm phát cao, Mỹ tăng trưởng âm, đồng USD tăng giá khiến các đồng tiền khác như Euro, Yen lao đao. 

Các nước được hưởng lợi nhất của giá dầu tăng cao hiện nay là Trung Cận Đông thì sử dụng dầu khí là quân bài để thương lượng với thế giới…. 

Ngay tại Việt Nam, thị trường xăng dầu cũng đang đối diện với những khó khăn, bất cập lớn, chỉ cần một làn sóng tăng giá của dầu thô và giá xăng dầu thế giới, thị trường sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.

GS, TSKH Võ Đại Lược: Việt Nam và Trung Quốc thể hiện thông điệp tươi sáng, trân trọng và phát triển - Ảnh 3.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng nở rộ trong thập kỷ qua (Đồ hoạ Ong Lý).

Chúng ta có nhiều lạc quan về thị trường Trung Quốc trong chuyến đi của Tổng Bí thư và những kết quả tốt đẹp. Nhưng, cũng cần giữ thăng bằng trong quan điểm và tư duy bởi kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức và khó khăn. 

Kinh tế Trung Quốc cũng đang đối diện với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, sức mua và tiêu dùng cũng hạn chế do duy trì chính sách Zero Covid-19 nhiều tháng qua; quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, EU cũng không được tốt như trước đây, hàng hoá Việt Nam với Trung Quốc bổ sung nhau ít…. Đó là bức tranh để chúng ta nhìn ra, tạo thế cân bằng trong cuộc chơi mới, cách chơi mới giữa các thị trường, bạn hàng.

Việt Nam không chỉ quan trọng với Trung Quốc và đầy sức "quyến rũ"

Vậy, đứng ở góc độ gia nhập cuộc chơi, Việt Nam nên chủ động chơi với Trung Quốc thế nào để giảm thiểu các tác động của kinh tế toàn cầu mang lại, đặc biệt là chuỗi sản xuất đang khó khăn?

- Việt Nam có những hạn chế trong gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu, nhưng chúng ta có vai trò rất to lớn trong địa chính trị, kinh tế mà các nước lớn đều phải cân nhắc thiết lập quan hệ. 

Là nền kinh tế hàng đầu ASEAN, cửa ngõ để Trung Quốc đặt quan hệ với ASEAN; là nền kinh tế có độ mở lớn nhất nhì Đông Nam Á với 200% và trên 19 hiệp định FTAs song, đa phương thế hệ mới, cho thấy chúng ta đầy sức "quyến rũ" và đầy vị thế để chia bài, chơi với các nước lớn theo cách chủ động, kiểu của mình. Chúng ta đủ quyền, đủ vị thế để các nước chơi với mình theo đúng ý đồ của mình.

Giờ đây, chuỗi sản xuất toàn cầu đang vỡ vụn do Covid-19, do xung đột lợi ích giữa các quốc gia với nhau. Việt Nam cần tận dụng để tái cơ cấu lại nền kinh tế, tranh thủ hợp tác bắt tay với các bên để phát triển.

Việt Nam là đối tác xuất khẩu số 1 vào Mỹ, nhưng là đối tác nhập khẩu số 1 của Trung Quốc, ai cũng cần chúng ta và chúng ta cần tất cả họ. Chúng ta cần xem trọng mọi đối tác, tận dụng và tranh thủ mọi cơ hội của các đối tác nhằm vực dậy nền kinh tế, hạn chế những khó khăn của chúng ta. 

Ai đó nói rằng Việt Nam muốn tận dụng thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc trong thập kỷ mới để thay thế thị trường khác thì họ đã quá lầm tưởng và ngô nghê về mặt kinh tế địa chính trị.

GS, TSKH Võ Đại Lược: Việt Nam và Trung Quốc thể hiện thông điệp tươi sáng, trân trọng và phát triển - Ảnh 4.

Trung Quốc ngày càng đầu tư vốn lớn vào Việt Nam (Đồ hoạ Ong Lý)

Việt Nam đứng ở góc độ địa chính trị và kinh tế, luôn là đối tác với các nước, chúng ta luôn nhất quán quan điểm không phải là bàn đạp để các nước tranh thủ, tận dụng làm công cụ, thành trì chống các nước kia và phục vụ mưu cầu, lợi ích các nước khác. 

Việt Nam nhất quán quan điểm là bạn, là đối tác hợp tác với các nước, đó có lẽ là thông điệp của chuyến đi. 

Theo ông, chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc là điều xuyên suốt, trong kinh tế, chúng ta cần phải nêu rõ lập trường này để tránh rơi mình vào xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc trong các lệnh trừng phạt lẫn nhau?

- Đấu tranh là với những vấn đề lợi ích cốt lõi, lợi ích quốc gia, dân tộc. Hợp tác là với lợi thế sẵn có, thu hẹp những hạn chế, phát sinh của quá trình phát triển đi lên của chính mình. Đó theo tôi là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Việt Nam.

Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc rất đặc biệt, cùng hệ ý thức xã hội chủ nghĩa, cùng theo mô hình quản lý kinh tế, chính trị và Việt Nam lại nằm liền kề với Trung Quốc, gắn bó lợi ích kinh tế rất lớn với Trung Quốc.

Những hàng nông thuỷ sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn là rất giá trị, tôi cho rằng việc ký kết các văn kiện về hợp tác kinh tế, văn hoá, đặc biệt là hợp tác về chuỗi cung ứng, tôi cho rằng đây là bước đi khôn ngoan của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Sống gần Trung Quốc, công xưởng của thế giới, chúng ta có thể mua mọi thứ hàng hoá, giờ chỉ còn cách là tạo thuận lợi để chuỗi sản xuất này không đứt quãng do dịch bệnh, do các yếu tố địa chính trị.

Nhưng, chúng ta phải luôn tuân thủ luật chơi thế giới, không tự biến mình thành nơi gia công, xuất khẩu hộ được. Hàng "Made in Vietnam" phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn C/O của thế giới, của Việt Nam dù cho nguyên liệu, linh kiện đó chúng ta nhập ở đâu đi chăng nữa. Đó mới là sự tinh anh trong phát triển, lựa thế để tránh xung đột về kinh tế giữa các nước.

Hiện giờ nền kinh tế thế giới phát triển theo chuỗi, sản phẩm của Apple (Mỹ), nhưng gần như 90% được chế tạo, sản xuất từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc. Vậy, đặt câu hỏi chỉ cần chúng ta có đưa ra đầu bài, đặt đơn hàng, có thị trường là chúng ta có thể mua hàng và gia công, lắp ráp, bán đi các nước khác nhau.

Việt Nam có lợi thế có nhiều hiệp định thương mại xuất khẩu với nhiều đối tác lớn, bạn bè lớn.  Trung Quốc hiện cũng có nhiều Hiệp định FTAs thế hệ mới như RCEP, tham gia vào các cơ chế đàm phán đa phương với các nước khác. Lợi thế của Việt Nam có thể mua linh phụ kiện từ Trung Quốc và bán đi các nước không phải đánh thuế lần thứ 2.

GS, TSKH Võ Đại Lược: Việt Nam và Trung Quốc thể hiện thông điệp tươi sáng, trân trọng và phát triển - Ảnh 5.

Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam

Là nhà nghiên cứu chính trị - kinh tế, ông mường tượng được bức tranh tươi sáng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong những thập kỷ tới?

- Trước, trong và sau chuyến thăm, cả Việt Nam và Trung Quốc rất đề cao mối quan hệ hợp tác và có rất nhiều tín hiệu, thông điệp phát ra thể hiện rất tươi sáng. Tôi cũng như nhiều người rất mong muốn Việt Nam sẽ có mối quan hệ nồng ấm, phát triển với các cường quốc, đối tác, bạn bè trên thế giới bởi chúng ta hiểu và ngày càng trân trọng hoà bình, quý giá từng phút giây ổn định để phục hưng dân tộc. Tôi rất mong mỏi!

Việt Nam không chỉ quan trọng với Trung Quốc mà còn quan trọng với nhiều cường quốc khác trên thế giới bởi yếu tố địa chính trị xa xưa và hiện nay của mình. 

Với kinh tế, Việt Nam ngày càng thể hiện được giá trị mở cửa, hội nhập và đối tác hợp tác quan trọng với các ông lớn thế giới. Việt Nam mong muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy và ổn định của tất cả các nước không phân biệt khác biệt về chính trị.

Tôi nhớ, năm 2006, một quỹ đầu tư của Quốc vương Dubai muốn xây dựng Dubai thứ 2 trên thế giới, họ bỏ 5 triệu USD để thuê Công ty Moniter (Mỹ) để khảo sát các địa danh có thể đầu tư trên thế giới, 6 tháng nghiên cứu họ chọn và đến Việt Nam. 

Chính phủ Việt Nam khi ấy giao cho họ nghiên cứu làm ở tỉnh Phú Yên, họ tổ chức khảo sát và lập dự án. Nhà đầu tư Dubai rất tâm đắc và đặt nhiều kỳ vọng vào Phú Yên, họ dự định bỏ 250 tỷ USD đầu tư dự án hơn 300.000 ha. 

Tuy nhiên, đáng tiếc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 từ Mỹ lan ra thế giới đã phá hỏng ý định của các nhà đầu tư Trung Đông, họ đã rút dự án. Các năm 2009 - 2011, tỉnh Phú Yên đã rút giấy phép dự án.

Có thể nói, Việt Nam có địa thế và cơ hội rất lớn mà nhiều nhà đầu tư quốc tế mong muốn, chúng ta chỉ chưa có duyên với họ. Nhưng tôi tin chắc, việc giữ vững ổn định chính trị - kinh tế và xã hội và cải thiện về cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và chuyển đổi mau lẹ nền hành chính nhanh, gọn nhẹ theo thời đại số hoá, Việt Nam sẽ trở thành thỏi nam châm hút đầu tư từ các nước Trung Đông.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Linh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN