TTVH Online

Phố Bạch Đằng, nơi viết tiếp hồi ức và những giấc mơ đẹp của người dân đất Thủ

Phong Cầm 30/11/2022 11:27 GMT+7

Với người dân TP.Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung, đường Hàng Dương xưa hay đường Bạch Đằng ngày nay mãi là con đường đẹp nhất. Đó là cái đẹp của phong cảnh, của bề dày lịch sử văn hóa, và được viết tiếp trong dòng chảy hối hả của nhịp sống đô thị hôm nay.

Đường Hàng Dương xưa

Đường Hàng Dương được xem là con đường xưa nhất, đẹp nhất của Bình Dương. Trong trí nhớ của người Bình Dương xưa, con đường Hàng Dương đẹp không khác nào bức tranh thủy mặc, chạy dài từ sát bờ sông Sài Gòn, đoạn trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Công binh ở phường Chánh Mỹ đến tận rạch Bà Lụa ở phường Phú Cường.

Đó là con đường dọc triền sông, êm đềm, tĩnh lặng, hàng dương xanh tỏa bóng rì rào. Nơi đây, mỗi ngày không biết có bao nhiêu xe thổ mộ chở khách, chở hàng lọc cọc từ chợ Thủ đi, về.

Đường Hàng Dương được xem là con đường xưa nhất, đẹp nhất Bình Dương ngày xưa. Ảnh: T.L

Đường Hàng Dương được xem là con đường xưa nhất, đẹp nhất Bình Dương ngày xưa. Ảnh: T.L

Vì xưa nhất nên đường Hàng Dương cũng gắn liền với hàng loạt dấu tích của vùng đất Thủ Dầu Một.

Theo các tư liệu thì đặc điểm địa hình xuất phát nên tên gọi Thủ Dầu Một chính là ngọn đồi Phú Cường nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn, trên đường Hàng Dương. Nơi đó trồng toàn cây dầu, có một cây dầu cao lớn trăm tuổi, nổi trội hơn tất cả.

Trên đường Hàng Dương xưa, chợ Thủ Dầu Một như một nét chấm phá nổi bật. Và một điểm nhấn không thể không nhắc đến chính là ngôi trường Bá Nghệ nổi tiếng một thời.

Trong cuốn sách "Bình Dương 300 năm: Đất lành chim đậu", nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: Nam Bộ có nhiều "Thủ" lắm. "Thủ" vừa là thị tứ vừa là đồn binh canh giữ an ninh.

"Sài Gòn có Thủ Ngữ. Cạnh Bình Dương có Thủ Đức. Bản thân Bình Dương có Thủ Dầu Một, xa xưa đã là thị tứ. Bình Dương vốn mang gen đô thị từ 300 năm", sách viết.

Đường Hàng Dương xưa là đường Bạch Đằng ngày nay. Ảnh: T.L

Đường Hàng Dương xưa là đường Bạch Đằng ngày nay. Ảnh: T.L

Đây là một kiến giải thú vị về bản sắc làm nên nội lực của đô thị Thủ Dầu Một ngày nay. Và đường Hàng Dương xưa với những dấu ấn văn hóa sâu đậm, đến những đổi thay mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa của đường Bạch Đằng ngày nay là một minh chứng cụ thể.

Phố Bạch Đằng hôm nay

Con đường Hàng Dương như một thứ keo kết dính, tìm về quá khứ, ngắm nhìn vết xưa để tự hào khi hướng về tương lai. Ngày 2/9 vừa qua, tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức khánh thành phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng, một công trình trọng điểm chào mừng 77 năm ngày Quốc khánh.

Trước đó, dự án Phố đi bộ Bạch Đằng được khởi công từ năm 2017, có diện tích hơn 2,4ha; chiều dài đoạn đường 762m với tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 434 tỷ đồng, còn lại là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

Công trình có công viên đi bộ rộng 15m chạy dọc bờ sông Sài Gòn với nhiều cây xanh, hạng mục tiểu cảnh, hệ thống thoát nước, đèn đường chiếu sáng và đèn trang trí hiện đại.

Hoàng hôn là thời điểm lý tưởng mà bến Bạch Đằng dành tặng du khách.  Không gian yên bình, thư thái giúp mọi người thả hồn mình vào nắng chiều. Cơn gió miên man từ dòng sông Sài Gòn sẽ giúp cuốn đi muộn phiền. Ảnh: T.L

Hoàng hôn là thời điểm lý tưởng mà bến Bạch Đằng dành tặng du khách. Không gian yên bình, thư thái giúp mọi người thả hồn mình vào nắng chiều. Cơn gió miên man từ dòng sông Sài Gòn sẽ giúp cuốn đi muộn phiền. Ảnh: T.L

Với lợi thế trên bến dưới thuyền, phố đi bộ Bạch Đằng đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện, đặc biệt vào những ngày lễ Tết. Đến với Bình Dương, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa giải trí ý nghĩa.

Đua thuyền là hoạt động thể thao truyền thống của tỉnh. phong trào mang đến không khí sôi động, thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường giao lưu và giới thiệu đến các du khách môn thể thao truyền thống đang được Bình Dương giữ gìn.

Càng về đêm, phố đi bộ Bạch Đằng càng lung linh sắc màu; trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thú vị. Ảnh: Trần Khánh

Càng về đêm, phố đi bộ Bạch Đằng càng lung linh sắc màu; trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thú vị. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Vĩnh An, người dân sống lâu năm ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) kể, những tuyến đường nằm dọc sông luôn mang lại cho người ta sự hoài niệm.

Đó là những ký ức về tuổi thơ được tung tăng cùng ba mẹ; cùng bạn bè dạo mát với những trò nghịch gọn; cùng người yêu, hoặc gia đình những chiều bên nhau đầy niềm vui. Ngày nay, từng phiến đá hoa cương mới cóng trên tuyến đường đi bộ sẽ ghi dấu kỷ niệm những ngày du khách đến với đất Thủ Bình Dương.

Theo ông An, làm phố đi bộ Bạch Đằng từ con đường Hàng Dương là một ý tưởng rất hay. Từ khi khánh thành, cảnh quang ở đây thêm khoáng đạt.

"Với các bạn trẻ, phố đi bộ là một trải nghiệm mới mẻ. Với những người lớn tuổi, sáng sáng chiều chiều ra đây tập thể dục, người ta như muốn sống lâu và sống nhiều hơn nữa", ông An tâm sự.

Sau khi tham quan, đi bộ, du khách sẽ đến với khu ẩm thực, để uống nước ăn vặt, chuyện trò trong không gian yên tĩnh, trong lành. Dọc tuyến đường, những chiếc xe lưu động đầy ắp các loại thức, nước uống luôn sẵn sàng phục vụ.

Chị Ngọc Nga, chủ một gian hàng trong khu phố ẩm thực kể trước kia chị bán hàng rong khắp các con đường ở Thủ Dầu Một. Chị đăng ký và chuyển hàng về đây từ ngày 31/8, khi bắt đầu khai trương phố Bạch Đằng.

Khu phố ẩm thực thu hút đông du khách. Ảnh: Trần Khánh

Khu phố ẩm thực thu hút đông du khách. Ảnh: Trần Khánh

"Việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trung tâm, tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại chính là một trong những chủ trương lớn được thành phố Thủ Dầu Một tập trung đầu tư".

Ông Võ Chí Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một

Theo chị Nga, từ ngày được khánh thành, phố đi bộ Bạch Đằng và khu ẩm thực đã giải được cơn khát về địa điểm tổ chức sự kiện, vui chơi của cư dân TP.Thủ Dầu Một; tạo thành tạo thành điểm đến thú vị với các bạn trẻ và du khách.

Khu phố ẩm thực tận dụng được không gian ven sông, lại được tổ chức quản lý tốt nên trật tự, vệ sinh tốt hơn. "Từ khi chuyển tới đây thì lượng khách của mình tăng lên và có thêm nhiều khách mới", chị Nga nói.

Việc đưa vào hoạt động chợ đêm và phố đi bộ Bạch Đằng có ý nghĩa văn hóa, xã hội quan trọng. Đây là sân chơi, nơi sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân, người lao động sau những ngày làm việc vất vả.

Về lâu dài, công trình còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, với nhiều chương trình nghệ thuật như biểu diễn du thuyền, dù lượn, mô tô nước và những hoạt động thể thao dưới nước khác, ông Thành chia sẻ

Trần Khánh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN