Hình ảnh bố mẹ thẫn thờ ngóng chờ tin tìm kiếm con trai nhảy cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) đang khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, xót xa.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ: "Nhìn hình ảnh cha mẹ ngồi trong lều tối trời cuối thu se lạnh chờ tin con vụ nhảy cầu Bãi Cháy mà ai đi qua cũng cảm thấy nhói lòng...".
Qua vụ việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi về áp lực và sự thiếu hụt kỹ năng sống hiện nay của giới trẻ. Theo chuyên gia Nguyễn Đình Sơn, tâm trạng của của người tự tử trong thang đo cảm xúc sẽ quyết định hành động. Khi ai đó mới ở thang 1 đến 5 từ lo lắng đến sốc thì mới là ngưỡng ban đầu. Thang thứ 2 từ vỡ mộng đến nản lòng thì thang thứ 3 xuất phát từ chán ghét bản thân, trầm cảm, tuyệt vọng với cuộc sống và kinh hoàng mới dẫn đến hành động tự tử.
"Trong cuộc sống người trưởng thành ai cũng bị áp lực nhưng họ đều tìm thấy mục tiêu để đi ngược chiều hướng tới thang cảm xúc tích cực. Giai đoạn vị thành niên của những người sau này dễ mất kiểm soát thường do cha mẹ vật lộn kiếm sống, hay mải miết kiếm tiền làm giàu mà phó thác tất cả cho nhà trường và xã hội. Nhưng sức khỏe cảm xúc cần cho thế hệ trẻ phát triển tích cực và năng động lại bị bỏ lỡ trong hệ thống trường công lập lẫn dân lập. Vì có lẽ là chương trình quá tải, thiên về dạy kiến thức nên phần kỹ năng đã bị bỏ ngỏ. Xã hội lại chưa có dịch vụ trợ giúp cho trẻ vị thành niên trong vấn đề cần thiết cho sức khỏe cảm xúc.
Không thể trách các bậc cha mẹ họ đã quá vất vả mưu sinh thì còn đâu có thời gian mà đồng hành, mà hiểu con. Tuy nhiên, họ đã bỏ lỡ mất bốn cơ hội vàng đáng quý trong 4 giai đoạn của con.
Cơ hội Tiểu học dạy cho con những thói quen tốt như tự giác, sống có kỷ luật. Họ vẫn còn cơ hội thứ hai là dạy con biết chịu trách nhiệm và sống có trách nhiệm với hành vi và lựa chọn quyết định của mình ở cấp THCS. Đến cấp THPT cha mẹ cần trang bị cho con bộ kỹ năng tự lập sống xa nhà để bước vào tuổi sau 18 các con mới có hành trang để sống tự lập.
Nhìn thấy cuộc sống hiện tại, các bạn trẻ không trách cha mẹ nhưng cũng chưa tìm được nơi nào giúp mình nên mới xảy ra hiện tượng bạn trẻ tuyệt vọng đến kinh hoàng để rồi hành động thiếu suy nghĩ", chuyên gia này nói.
Thông qua vụ việc này, chuyên gia Đình Sơn nhấn mạnh: "Thông điệp gửi lại cho chúng ta qua một tam giác hoàn hảo học sinh – nhà trường - cha mẹ là cần chú ý đến con mình. Dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần chú ý đến hành trang cho con. Những hành động nho nhỏ giúp con chịu trách nhiệm và sống có trách nhiệm được lấp đầy ở cấp THCS như lao động, có trách nhiệm với đồng tiền, với bản thân trước hành vi chưa đạt chuẩn.
Thông điệp thứ hai mà các bạn trẻ cần nhìn thấy là hình ảnh cha mẹ ngồi dưới túp lều bạt chỉ để chờ đợi tìm tin tìm kiếm con ở cầu Bãi Cháy. Từ đó, các bạn trẻ cần thấy rằng mọi hành động của mình phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nỗi đau của người ở lại vô cùng to lớn bởi trong mắt của cha mẹ các bạn đều ngoan, đều là những thiên thần bé nhỏ. Đừng trách cứ cha mẹ hay hoàn cảnh. Thế giới này có bao nhiêu việc phải làm, cần làm để cho chính cuộc sống của chúng ta".
Luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ: "Cá nhân tôi đồng tình với những cách xử sự rất tích cực mà giới trẻ đang hướng đến, thay vì tự tử. Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ cần trang bị một số kỹ năng không thể thiếu, trong đó có kỹ năng xử lý tình huống, vượt qua áp lực, vượt qua khủng hoảng. Thứ hai, các em hãy luôn suy nghĩ tích cực và sống có trách nhiệm với chính bản thân mình. Hãy cho bản thân những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn để căng thẳng đi qua rồi bước tiếp.
Thứ ba, hãy sử dụng quyền trợ giúp của người thân để có thể chia sẻ những khó khăn và tìm, nhận được những lời khuyên của người có kinh nghiệm để vượt qua. Bạn hãy nhớ rằng, khó khăn đến mấy thì cũng sẽ qua, không có khó khăn nào theo chúng ta mãi cả".