TTVH Online

Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách nào để trúng tất cả 16 gói thầu?

Phong Cầm 01/12/2022 10:36 GMT+7

Trong 10 năm qua, AIC và các công ty "chân rết" đã tham gia 16 gói thầu liên quan đến Bệnh viện Đồng Nai và đều trúng thầu.


Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách   nào để trúng tất cả 16 gói thầu? - Ảnh 1.

16 gói thầu tại bệnh viện Đồng Nai đều rơi vào tay AIC và các chân rết của AIC. Ảnh: Tuệ Mẫn

AIC và "chân rết" trúng 16 gói thầu tại Đồng Nai

Mới đây, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh này. Trong đó, tỉnh sẽ thanh tra các dự án gói thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các công ty thành viên trúng thầu theo chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể tại Đồng Nai, giai đoạn từ 2011 - 2021, AIC và các "chân rết" đã trúng 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. 

Bao gồm các gói thầu thiết bị y tế chuyên môn; gói thầu máy gây mê kèm thở, máy thở; gói thầu trang thiết bị xạ trị; gói thầu hệ thống chụp cộng hưởng trừ; gói thầu máy chụp cắt lớp CT; gói thầu thiết bị truyền dịch, tuần hoàn và truyền máu; thiết bị chuyên khoa lẻ; dụng cụ phẫu thuật; thiết bị tiệt trùng giặt ủi; thiết bị phòng mổ; thiết bị chẩn đoán, phẫu thuật nội soi,... 

Cũng vì những gói thầu này, AIC đã "đi đêm" với nhiều lãnh đạo địa phương và Bệnh viện Đồng Nai với số tiền lót tay cho 2 cựu quan chức kèm nguyên giám đốc bệnh viện lên đến trên 40 tỷ đồng. 

Theo điều tra của Bộ Công an, để được tham gia, trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ năm 2003, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) đã tiếp cận và đặt mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông đang là Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trong các lần công tác tại Hà Nội. 

Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách   nào để trúng tất cả 16 gói thầu? - Ảnh 2.

Đa số trang thiết bị trong bệnh viện đều do AIC cung cấp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã đến gặp ông Thành tại phòng tiếp khách của Bí thư Tỉnh ủy và nhờ ông Thành mời lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC của bà Nhàn. 

Đồng thời, nhờ lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện tham gia các dự án tại tỉnh. Bà Nhàn đã giới thiệu bà Hoàng Thị Thúy Nga, thời điểm đó là Trưởng Ban quản lý dự án 1 của Công ty AIC, với ông Thành. Sau đó, bà Nhàn và bà Nga đã nhiều lần gặp gỡ, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. 

Năm 2010, khi bệnh viện chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu lúc đó là Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo ông Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. 

Ông Thành đã chủ động điện thoại cho bà Nhàn đề nghị giúp Đồng Nai xin vốn trung ương hỗ trợ cho dự án bệnh viện và được bà Nhàn đồng ý. 

Trước khi UBND tỉnh ra quyết định bổ sung chi phí trang thiết bị y tế vào dự án (tháng 7/2010), bà Nga đến gặp và mời ông Thành ăn cơm trưa, ông Thành đã điện thoại cho ông Phan Huy Anh Vũ (lúc này ông Vũ đang là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) ăn cơm cùng. 

Tại bữa ăn, ông Thành giới thiệu và giao ông Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu các gói thầu bán thiết bị cho dự án do Công ty AIC là một công ty lớn, có uy tín, có nhiều mối quan hệ với các ban, ngành ở trung ương, có công xin vốn cho tỉnh. 

Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách   nào để trúng tất cả 16 gói thầu? - Ảnh 4.

Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Đồng Nai đã hỗ trợ AIC rất nhiều trong chuyện trúng thầu. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đầu năm 2013, khi bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của bà Nhàn, ông Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung làm tổng giám đốc ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT). 

Bà Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp với lãnh đạo, nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh dự án. 

Các hạng mục thiết bị đều do phía Công ty AIC đề nghị, thu thập báo giá gửi cho Công ty Mediconsult làm căn cứ tư vấn cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh dự án. 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu. 

"Bùa" để các gói thầu đều rơi vào tay AIC

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, bà Nhàn, bà Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho bà Nhàn, bà Nga phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện. 

Bà Nhàn đề nghị ông Vũ giới thiệu bà Nga với ông Nguyễn Công Tiến - tổng giám đốc Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới - để cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC. 

Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách   nào để trúng tất cả 16 gói thầu? - Ảnh 5.

Bệnh viện Đồng Nai có nhiều thiết bị hiện đại. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào. 

Từ đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá, ông Vũ đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định giá nâng giá, sử dụng làm căn cứ lập và phê duyệt HSMT. 

Quá trình tham gia đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo ông Đỗ Văn Sơn - kế toán trưởng và bà Lê Thị Hương - kế toán Công ty AIC - điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính 4 năm (từ 2010 đến 2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội để bà Nhàn ký, đưa vào HSDT, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của HSMT. 

Đồng thời, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua HSMT, lập HSDT cho cả công ty nhờ nhân viên các công ty nộp HSDT cho đủ số lượng theo quy định. Thực tế chỉ các công ty được xác định trúng thầu như AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa ủy quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu. 

Vụ Bệnh viện Đồng Nai: AIC và các "chân rết" làm cách   nào để trúng tất cả 16 gói thầu? - Ảnh 6.

AIC trúng hầu hết các gói thầu lớn tại bệnh viện Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỷ đồng. Còn 4 gói thầu, để tránh việc Công ty AIC trúng tất cả các gói thầu tham gia, bà Nhàn chỉ đạo Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu, BMS trúng 1 gói, TNT trúng 1 gói. Sau khi trúng thầu, được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển tiền lại cho Công ty AIC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện. 

Như vậy, thông qua nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu trong vụ AIC đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.  

Trước đó trả lời báo chí liên quan đến những lùm xùm xảy ra tại bệnh viện ông Ngô Đức Tuấn Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nói rằng việc xây dựng bệnh viện, mua sắm thiết bị cơ quan điều tra cũng đã làm việc và phía bệnh viện hợp tác cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan. Còn các vấn đề đã xảy ra, ai làm sai người đó chịu trách nhiệm.


Nha Mẫn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN