Tại phiên họp sáng 7/12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023.
Dự báo năm 2023 nhiều khó khăn
Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM phục hồi mạnh mẽ và có nhiều điểm sáng. Trong đó, thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực, ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%).
Việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Các dự án công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư.
Các cơ chế, chính sách dành cho thành phố tiếp tục được thực hiện rộng rãi và tạo động lực để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị trên thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và TP.Thủ Đức.
Dù vậy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, kinh tế - xã hội TP.HCM cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, kinh tế TP.HCM có độ mở lớn, chịu tác động trực tiếp trước các biến động của tình hình quốc tế; thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm.
Cùng với đó, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm công vụ, công tác phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp giữa các sở ngành còn chậm. Nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, một số đơn vị trả lời thiếu cụ thể, không tập trung vào nội dung, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc, gián tiếp ảnh hưởng đến chi phí cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng.
Trước những kết quả đạt được và khó khăn gặp phải trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dự báo năm 2023, TP.HCM có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó dự đoán.
Do đó, TP.HCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, hấp thụ nhanh và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị. Tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với khai thác tiềm lực khoa học, công nghệ.
UBND TP.HCM đề xuất thực hiện chủ đề năm 2023 là: "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội".
TP.HCM cũng đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 nhằm thực hiện tốt chủ đề năm và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, TPHCM chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tập trung phát triển thị trường…
Thành phố cần những giải pháp đột phá, trọng tâm
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh TP.HCM cũng như cả nước đang đứng trước nhiều thách thức, tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của thành phố có xu hướng chậm lại. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng ngày càng phức tạp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng của thành phố. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám bênh, chữa bệnh công lập; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường.
Bên cạnh đó là những ảnh nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí, rác thải. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tệ nạn xã hội, ma túy. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp đột phá. Trước mắt, tích cực chuẩn bị các nội dung Bộ Chính trị đã cho ý kiến, tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, nếu kịp và đảm bảo chất lượng có thể trình Quốc hội khóa 15 trong kỳ họp gần nhất. Sự bứt phá đi lên của thành phố có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà tác động rất lớn trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước".