Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Những kẻ hèn nhát" của nhà văn Czech Joseph Skvorecky qua bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Bình Slavická.
Không gian của tác phẩm là thành phố Kostelec, một địa danh hư cấu nhưng nhiều phần gợi nhớ thành phố Náchod của tác giả. Kostelec nằm gần biên giới với Đức. Thời gian của tác phẩm là 8 ngày (từ 4/5 đến 11/5 năm 1945) tức là khoảng thời gian kết thúc Thế chiến II. Các chương của tiểu thuyết được ghi theo từng ngày, như kiểu lối ghi nhật ký của nhân vật chính. Trong 8 ngày đó, mọi người ở Kostelec, thành phố thuộc sự bảo hộ của Đức trong thời gian chiến tranh, đang chuẩn bị chờ quân Đức rút khỏi và quân Nga tiến vào.
NHỮNG KẺ HÈN NHÁT
Tác giả: Joseph Skvorecky
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2022
Số trang: 525 (khổ 15,5x23,5cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 220.000đ
Nhân vật chính của tiểu thuyết, Danny Smiřický, là một chàng trai có học, chơi trong ban nhạc jazz cùng mấy người bạn. Họ vui vẻ, hồn nhiên, nhưng đã bị cuốn vào vòng xoáy của các sự kiện lịch sử xảy ra trên quê hương mình. Họ không thích thú gì với trò khởi nghĩa của những kẻ mới hôm trước còn ôm chân quân Đức giờ lại sốt sắng đón tiếp quân Nga. Những kẻ yêu nước rởm, nếu có thể nói vậy. Họ coi đấy là một trò hề, là sự lấy tổ quốc ra đánh cược. Họ không muốn vì chính trị mà chán nản đến chết. Nhưng họ cũng không thể lẩn tránh nghĩa vụ công dân của mình, nên vẫn buộc phải tham gia cái trò "khởi nghĩa". Trong khung cảnh đó, cái tên tiểu thuyết "Những kẻ hèn nhát" có thể hiểu như là cách Danny và các bạn anh tự nói về mình. Đối với Danny, cuộc sống chỉ là gái đẹp và nhạc jazz. Nhạc jazz và cây kèn saxophone mà anh nghĩ nên gọi là sexophone vì nó là thứ nhạc cụ gợi cảm nhất. Danny hồn nhiên và tinh tế. Trong các thứ quân đang tìm cách về nhà sau chiến tranh, anh chọn giúp đỡ cho những người lính Anh tìm chỗ ở tạm tại những nhà mình quen vì thấy người Anh là những người có văn hoá.
Chiến tranh đã kết thúc. Nhưng tương lai sẽ ra sao. Danny cảm nhận mơ hồ về những tháng ngày khó khăn sắp tới đối với cách sống của mình. "Nó là người của tương lai, người sẽ mang tiếp những gì chúng tôi đã làm ở đây. Những gì thuộc về cái mới mẻ khác thường và nhạc jazz, những gì thuộc về cách sống của chúng tôi. Các ông Petrbok và Machácek ngốc nghếch và những người giống các ông ấy không hiểu được điều đó. Đối với họ, chúng tôi là những kẻ nhởn nhơ lười biếng và jazz là một cái gì kỳ cục nhố nhăng và điên loạn. Nhưng đối với chúng tôi thì không. Đối với chúng tôi đó là cuộc sống. Và đối với tôi đó là cuộc sống duy nhất. Tốt nhất và duy nhất có thể." (tr. 522).
Tác phẩm mở đầu bằng một buổi hoà nhạc và kết thúc cũng bằng một buổi hoà nhạc. Điều này có ý đồ của tác giả. Cũng như khi ông cho nhân vật Danny đam mê nhạc jazz. Đó là sở thích, là niềm vui cuộc sống của anh ta. Đó là cái làm anh ta khác biệt với mọi người. Và đó là một phép thử của thời đại, của xã hội. Danny say đắm jazz và cây kèn saxophone, đến mức nếu được Irena mà mình theo đuổi yêu mình thì anh sẵn sàng không chơi kèn nữa, nhưng rồi anh nghĩ lại. "Trời ạ, con sẽ làm thế, sẽ làm thế, con thề là sẽ không chơi saxophone nữa, nếu Trời cho con Irena, rồi tôi lại giảm nhẹ đi một chút và bảo rằng con thề đến lúc ba mươi tuổi, hay bốn mươi tuổi, con sẽ thôi không chơi nữa, đồng thời trong thâm tâm tôi hy vọng là cho đến lúc ấy thì có thể có gì xảy ra và tôi sẽ không phải giữ lời thế ấy nữa…" (tr. 479). Và để phù hợp với cảm xúc và tâm trạng của nhân vật, nhà văn đã dụng công viết những câu thật dài, dài có khi đến hết cả trang, câu văn dài miên man như những độc thoại nội tâm của Danny đầy những phấp phỏng hy vọng lo âu.
Tiểu thuyết "Những kẻ hèn nhát" có tính chất nửa tự truyện, dù tác giả đã cẩn thận ghi ở đầu sách là các nhân vật và sự kiện ở đây đều là hư cấu, nếu có trùng hợp với ai ở đâu thì chỉ là ngẫu nhiên. Danny mang hình bóng Skvorecky. Nhà văn sinh năm 1924, từng học Y khoa, nhưng sau chuyển sang học tiếng Anh và Triết học. Năm 1951 ông được nhận học vị tiến sĩ triết học. Thập niên 1950 ông bắt đầu chuyên tâm vào văn chương, viết thơ, truyện, kịch bản phim… và để lại một khối lượng tác phẩm gần một trăm cuốn sách. Ngoài sáng tác ông còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà văn nước ngoài sang tiếng Czech. Năm 1969 ông cùng vợ định cư tại Canada, giảng dạy sân khấu và điện ảnh tại Đại học Toronto và được phong hàm giáo sư năm 1990. Năm 1971 vợ chồng ông thành lập Nhà xuất bản 68, chuyên xuất bản các tác phẩm của mình và của các nhà văn bị cấm xuất bản tại Tiệp Khắc hồi đó. Nhà văn mất năm 2012.
Joseph Skvorecky viết xong "Những kẻ hèn nhát" tháng 9/1949, nhưng đến cuối năm 1958 sách mới được xuất bản lần đầu. Sách ra bị dư luận phản đối, bị thu hồi. Năm 1964 "Những kẻ hèn nhát" được xuất bản lần thứ hai, nhưng để sách lại ra được tác giả đã phải sửa chữa một số chỗ và viết một lời nói đầu giải thích. Năm 1966 và 1968 sách lại được tái bản, nhưng sau khi nhà văn cùng vợ rời Tiệp Khắc và định cư tại Canada sách lại bị cấm cho đến năm 1989. Tính đến năm 2021, "Những kẻ hèn nhát" đã được tái bản tổng cộng 11 lần. Và kể từ năm 1990 nó được đưa làm sách đọc trong nhà trường, làm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Czech. Từ 2007 một giải thưởng mang tên Joseph Skvorecky đã được lập ra để trao tặng cho tác giả Czech có sáng tác văn xuôi hay nhất trong năm.
Dịch giả Bình Slavická, người Việt định cư ở Czech, đã thêm một lần nữa mang đến cho độc giả Việt Nam một tác phẩm quan trọng của một nhà văn Czech nổi tiếng. Trước đó chị đã dịch Karel Capek ("Bệnh trắng", 2020). Đặc biệt trong hai năm 2020 và 2021 chị đã dịch trọn bộ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất văn học Czech của văn hào Jaroslav Hasek "Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới" với hơn nghìn trang in tiếng Việt. Đến nay chị lại có bản dịch "Những kẻ hèn nhát" của Joseph Skvorecky. Công phu dịch thuật lớn, chữ nghĩa tiếng Việt thuần thục, kỹ càng. Đọc "Những kẻ hèn nhát" của Joseph Skvorecky qua bản dịch của Bình Slavická, bạn đọc Việt Nam biết thêm được một gương mặt mới ngoài những tác giả đã quen tên của văn học Czech, nhà văn Việt Nam học thêm được một cách viết. Đem một nhóm người trẻ yêu âm nhạc đặt vào khung cảnh 8 ngày cuối cùng của chiến tranh để nói về chính trị và thời cuộc, chiến tranh và cuộc sống, tình yêu và tuổi trẻ, hôm nay và ngày mai, thế chẳng phải là một lựa chọn nghệ thuật xuất sắc hay sao. Vì thế tiểu thuyết "Những kẻ hèn nhát" nên được các người trẻ, các người đã đi qua chiến tranh, các người viết văn đọc lấy.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 13/12/2022