Điều tra vụ người đàn ông bị sát hại tại nhà; thông tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai; ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để “xử lý hành chính” sách lậu... là những tin nóng 24 giờ qua.
Như Dân Việt đã thông tin: Theo thông tin ngày 16/12, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương đang phối hợp với Công an huyện Nam Sách tiến hành điều tra vụ án giết người xảy ra tại thôn Cát Khê (xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, Hải Dương).
Nạn nhân trong vụ án được xác định là anh Mạc Văn Đ. (sinh năm 1974, trú tại thôn Cát Khê, xã Hiệp Cát).
Trưa 16/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, khoảng 8h sáng cùng ngày, người dân thôn Cát Khê, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách phát hiện anh Mạc Văn Đ. tử vong ở sân nhà.
Trên thi thể anh Đ. có nhiều vết thương do bị vật sắc nhọn đâm. Hiện trường cho thấy, nhà anh Đ. có dấu hiệu bị đổ xăng, đốt.
Thông tin ban đầu xác định, hung thủ đã dùng xăng đổ vào nhà anh Đ. để đốt. Khi anh Đ. phát hiện sự việc nên chạy ra sân liền bị hủng thủ ra tay sát hại.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 16/12, TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cho biết, Chánh án TAND huyện này, bà Trần Thị Kim Thảnh vừa ký quyết định thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án đang bị tạm giam.
Cụ thể: Thi hành bản án hình sự phúc thẩm 191/2022/HSPT ngày 3/11 của TAND tỉnh Long An, đối với người bị kết án là ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), ngụ 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa; bị kết án về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân".
Quyết định nêu rõ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Đức Hòa thi hành quyết định và thông báo cho gia đình người bị kết án biết nơi người đó chấp hành hình phạt tù.
Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 3/11, TAND Long An đưa ra phán quyết đối với ông Lê Tùng Vân cùng đồng phạm liên quan vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân" xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh nhận định, tòa sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, tuyên đúng người, đúng tội, không oan sai, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.
Căn cứ vào hành vi phạm tội, tòa phúc thẩm bác kháng cáo, y án bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Các bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương bị phạt cùng mức án 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên nhận mức án 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc bị phạt 3 năm tù về cùng tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo bản án sơ thẩm cáo buộc, năm 2016 ông Lê Tùng Vân cùng các bị cáo và một số người khác sống tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa do Cao Thị Cúc (62 tuổi) làm chủ hộ. Ông Lê Tùng Vân đã biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia lấy tên là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ.
Liên tục trong 3 năm (2019-2021), các bị cáo trên đã sử dụng phương tiện như máy tính, điện thoại di động để đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, tác động an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Như Dân Việt đã thông tin: VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 36 người trong vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả. Vụ án khởi tố tháng 6/2021, từng trải qua 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, số bị can trong vụ nâng từ 12 lên 36 người.
Lần này, cơ quan truy tố giữ quan điểm truy tố bị can Trần Hùng, cựu Phó Chánh văn phòng 389, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Có 3 cựu cán bộ Đội QLTT số 17 bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm Lê Việt Phương, nguyên Phó đội trưởng; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, cùng nguyên Kiểm soát viên.
Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị truy tố về tội "Môi giới hối lộ". Nhóm còn lại gồm Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, bị truy tố về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Theo cáo trạng, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục, tổng trị giá in trên bìa hơn 260 tỷ đồng. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển; còn 3 triệu quyển chưa kịp bán bị cảnh sát thu giữ.
Cơ quan tố tụng mở rộng điều tra và xác định ngày 9/7/2020, Thuận đã bị Đội QLTT số 17 phối hợp Tổ 304 nơi bị can Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả. Tuy nhiên, vụ việc không được ông Hùng báo cáo với Tổng cục trưởng Quản lý thị trường mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.
Cao Minh Thuận đã nhắn tin, điện thoại cho ông Trần Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc. Ông Hùng "đồng ý tha" với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.
Sau đó, bị can Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi 400 triệu đưa cho ông Trần Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc. Hải đã gặp ông Trần Hùng đặt vấn đề chi 400 triệu và xin bỏ qua vụ việc buôn sách lậu. Hải là người trước đó thường cung cấp thông tin nơi in sách lậu cho ông Hùng, cáo trạng nêu.
Ông Trần Hùng đã hướng dẫn Hải về nói với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ "sách mua bị thu giữ" sang "sách do người khác mang đến ký gửi" để được giảm nhẹ.
Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đựng trong túi ni lông màu đen đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây, Hải đã gọi điện để ông Hùng nói chuyện với Thuận để hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ. Theo Viện kiểm sát, sau đó ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điện kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.
Quá trình điều tra ông Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên Viện kiểm sát cho rằng căn cứ lời khai các bị can khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại… có đủ cơ sở xác định ông Hùng đã nhận 300 triệu để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.
Cũng theo cáo trạng, bị can Lê Việt Phương đã chỉ đạo Thành Thị Đông Phương xây dựng hồ sơ, báo cáo để xuất xử lý hành chính vụ việc theo ý kiến của ông Trần Hùng và nhận 310 triệu tiền "cám ơn".
Bị can Phạm Ngọc Hải được giao nhiệm vụ chủ trì tiêu hủy số sách lậu nhưng đã làm trái công vụ, tự ý trả lại một phần số sách thu giữ và nhận 30 triệu tiền "cảm ơn".
Viện kiểm sát đánh giá các bị can đã làm trái công vụ, dẫn đến hậu quả vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự nhưng chỉ bị xử lý hành chính và Công ty Phú Hưng Phát được hưởng lợi một số sách bị thu giữ. Các bị can có hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng QLTT.
Ngày 16/12, theo nguồn tin của Dân Việt, VKSND tỉnh Đồng Nai đã ra cáo trạng truy tố 7 bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân.
7 bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Bế, cựu cán bộ địa chính xây dựng xã Bình Sơn; Trần Quốc Tuấn, cựu Chủ tịch UBND xã Bình Sơn; Nguyễn Quang Thảo, cựu cán bộ Tổ trưởng Tổ đăng ký Thống kê Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Thành; Bùi Văn Hồng, cựu cán bộ đo đạc và Trần Quốc Đạt, cựu Phó giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Thành; Nguyễn Hoàng Nghĩa, cựu Trưởng phòng TNMT huyện Long Thành và Dương Thị Duyên, cựu chuyên viên Phòng TNMT huyện Long Thành.
Cáo trạng cho biết, ngày 2/4/2019, UBND huyện Long Thành kiểm tra, xác minh việc cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất có diện tích hơn 0,7 ha cho bà Lê Thị Tho và thửa đất có diện tích gần 1,8 ha cho bà Nguyễn Thị Loan (ngụ huyện Long Thành).
Sau khi xác minh, UBND xã Bình Sơn xác định, Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Thành, Phòng TNMT huyện Long Thành đã tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 15/5/2017 với hai thửa đất cho bà Tho và bà Loan với tổng diện tích 2,5 ha là không đúng quy định của pháp luật vì đây là đất công do nhà nước quản lý.
Ngày 10/9/2019, UBND huyện Long Thành có văn bản chuyển vụ việc sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra làm rõ.
Công an tỉnh Đồng Nai đã xác minh, điều tra và xác định: 2,5 ha đất cấp sổ cho bà Tho và bà Loan nằm trong khu đất có diện tích 34,8 ha do UBND xã Bình Sơn giao cho Trường Trung học Lâm nghiệp số 2 trồng rừng vào năm 1990. Đến năm 2004, khu đất này đã giao lại cho UBND xã Bình Sơn quản lý.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi một phần diện tích nêu trên để thực hiện các dự án tại Cụm KCN Bình Sơn. Còn lại 2,5 ha quy hoạch là đất giao thông và đất cây xanh chưa triển khai thực hiện theo quy hoạch và giao cho UBND xã Bình Sơn quản lý.
Phần đất này không được UBND xã Bình Sơn quản lý chặt chẽ nên bà Tho và bà Loan lấn chiếm, sử dụng trồng mì, cây tràm trong nhiều năm. Đến tháng 3/2017, bà Tho và bà Loan nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDÐ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ các cá nhân có trách nhiệm ở UBND xã Bình Sơn, Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh huyện Long Thành và Phòng TNMT huyện Long Thành đã thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ mà đã tham mưu UBND huyện Long Thành ký cấp GCNQSDÐ lần đầu cho bà Tho và bà Loan trái quy định của pháp luật về đất đai.
Đáng nói, sau khi được cấp GCNQSDÐ, bà Tho và bà Loan đã sang nhượng hai thửa đất này với số tiền khoảng 12,5 tỷ đồng vào giữa năm 2017.
Như Dân Việt đã thông tin: Liên quan vụ người đàn ông bị hành hạ dã man trên tàu cá, ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Của để điều tra về hành vi "Hành hạ người khác" và triệu tập lấy lời khai Trương Văn Bình, người được cho là đang giữ số tiền chủ tàu cá bồi thường cho nạn nhân.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời đã khởi tố bắt tạm giam 4 bị can gồm: Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải), Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, ngụ khóm 3, thị trấn Sông Đốc) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và Sử Chí Tâm quê Bạc Liêu.
Riêng Trương Văn Bình là người mà nạn nhân Trương Văn Trung (47 tuổi, thường trú ấp 18, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) khai đã cầm số tiền 150 triệu đồng chủ tàu cá bồi thường cho ông, từ lúc nhận đến nay chưa đưa lại.
Cơ quan CSĐT cũng đang khẩn trương mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để vụ án hoàn thành điều tra trong thời gian sớm nhất và nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố bổ sung tội danh.
Như đã thông tin, đêm 15/11, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người đàn ông bị hành hạ dã man như thời Trung cổ. Hình ảnh của clip cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển.
Đoạn clip cũng cho thấy những người xung quanh không có động thái can ngăn mà còn tham gia đánh, hăm dọa nạn nhân. Hành động dã man trên khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ.
Theo điều tra, trong 2 ngày 28/5 và ngày 30/5, Lê Văn Bình (40 tuổi, hộ khẩu thường trú huyện An Biên, Kiên Giang) và Trương Văn Trung đến Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trình báo về việc bị đánh đập trên tàu cá BT 97993 - TS, do bà Phạm Thị Hà (57 tuổi, ngụ ấp 6, xã An Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre; đang tạm trú ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) làm chủ.
Ngày 30/5, bà Hà và Bình và Trung tự thỏa thuận, không yêu cầu xử lý và rời khỏi địa phương, không liên lạc được. Công an thị trấn Sông Đốc yêu cầu bà Hà đưa tàu cá vào bờ để xác minh nhưng bà Hà không chấp hành. Từ đó, cơ quan công an chưa làm việc được với những người liên quan.
Qua xác minh, xác định người bị đánh trong đoạn clip là Trương Văn Trung. Cũng theo Công an Cà Mau, thời điểm ông Trung bị đánh thì Sử Chí Tâm dùng điện thoại quay lại và chuyển cho Nhí (ngư phủ, chưa xác định được nhân thân). Sau đó, Nhí chuyển cho Mai Thanh Lăng (ngụ thị trấn Sông Đốc) đăng lên mạng Facebook.
Ngày 17/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời tiếp nhận, thụ lý vụ việc. Đến ngày 18/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời khởi tố vụ án hình sự hành hạ người khác (theo Điều 140 Bộ luật Hình sự). Sau đó, công an ra biển đưa tàu cá và 3 nghi can vào đất liền.
Ngày 20/11, Công an huyện Trần Văn Thời phối hợp Đồn biên phòng Sông Đốc trực tiếp dùng phương tiện ra biển điều tàu cá BT 97993 - TS cùng 3 người là Nguyễn Công Toàn (34 tuổi, ngụ khóm 3 thị trấn Sông Đốc); Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải) và Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ khóm 6A, thị trấn Sông Đốc) vào đất liền phục vụ công tác điều tra. Đây là 3 nghi can trực tiếp thực hiện hành vi đánh Lê Văn Bình và Trương Văn Trung trên tàu cá BT 97993 TS tại tọa độ thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, xảy ra ngày 23 và 24/5.
Ngày 21/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Công Toàn, Đoàn Văn Hùng và Nguyễn Văn Tỵ. Đến 6 giờ ngày 22/11, Công an huyện Trần Văn Thời phối hợp Đồn biên phòng Sông Đốc đưa ông Trung từ ghe biển ngoài khơi về đến trụ sở Công an huyện để phục vụ việc điều tra.