Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nội dung, mục đích và triết lý cũng như định hướng trong giáo dục chính là định hướng cho văn hóa.
Hôm nay (17/12), Hội thảo Văn hóa năm 2022 chính thức khai mạc tại Bắc Ninh với sự tham gia của 800 đại biểu. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi bài tham luận về giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa.
Nói về mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục và văn hóa, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực văn hóa, và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa, và từ đó phát triển văn hóa.
Giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa mà còn tạo ra sự đổi mới và đột phá cho văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người, xây dựng con người, vì vậy giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa, theo đó, giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện đến văn hóa. Nội dung giáo dục, mục đích của giáo dục, triết lý của giáo dục, định hướng giáo dục chính là định hướng cho văn hóa. Giáo dục định hướng sự phát triển con người của một dân tộc theo hướng nào thì định hướng văn hóa tương lai của dân tộc theo hướng đó. Chất lượng của nền giáo dục là chất lượng của văn hóa, giới hạn của nền giáo dục là giới hạn của văn hóa. Vậy nên có thể hiểu: giáo dục làm được tới đâu, văn hóa phát triển được tới đó.
Theo Bộ trưởng GDĐT, phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục đầu tiên là tư tưởng, triết lý giáo dục. Giáo dục để phát triển con người, lấy con người làm trung tâm. Đó là nền giáo dục nhân ái, công bằng, phổ cập, cho mọi người, hỗ trợ người yếu thế, phát triển được các năng lực người học, phát triển nhân tài, đem lại sự hạnh phúc cho con người, hướng con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Ở đó, người học là trung tâm của quá trình dạy - học, truyền thụ và lĩnh hội tri thức. Các hoạt động giáo dục được thực hiện trên cơ sở tôn trọng luật pháp, tôn trọng cá nhân, tôn trọng khác biệt, tồn trọng quyền tự do bày tỏ, thể hiện ý tưởng của mỗi cá nhân, phù hợp với từng học sinh và khuyến khích thúc đẩy tinh thần sáng tạo.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần phải xây dựng thể chế; Tạo dựng xã hội học tập, tạo dựng một xã hội học tập để ai cũng có cơ hội và điều kiện tiếp cận giáo dục, ai cũng có ý thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập mọi nơi, mọi lúc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh, và lấy đó là gốc cho phát triển văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát văn hóa học đường là môi trường mà ở đó, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Trường học và các hoạt động giáo dục phải đạt tới sự chuẩn mực. Những biểu hiện của thói gian dối trong dạy và học, kiểm tra đánh giá, bạo lực học đường, bất bình đẳng, chạy theo thành tích,... đều là kẻ thù và sự đối lập với văn hóa giáo dục.
Giữa khái niệm rất rộng lớn về văn hóa nói chung và văn hóa học đường nói riêng, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường đã xác định được những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ những nội dung cần thực hiện. Chỉ thị đã cụ thể hóa được những điều ngành giáo dục cần làm gì, các cơ sở giáo dục, các địa phương cần làm gì để phát triển văn hóa học đường. Qua đó, có thể khái quát một số nội dung quan trọng cần thực hiện:
Thứ nhất, triển khai thật tốt Chương trình GDPT 2018. Đây vừa là nội dung, vừa là phương pháp để đổi mới toàn diện. Trong đó, những nội dung học mới về thẩm mỹ, nghệ thuật hàm chứa các yếu tố giáo dục mà rất có tác dụng trong việc phát triển con người cần được tập trung làm thật tốt. Đây cũng là một bước quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa học trường bằng việc xây dựng nội dung cốt lõi.
Thứ hai, cần rà soát, chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường. Đôn đốc kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất.
Thứ ba, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống thư viện và các yếu tố hạ tầng khác. Để giáo viên và học sinh có thể sử dụng được.
Thứ tư, tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, ý thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà là cả thầy và trò. Có một ngôi trường có văn hóa thật tốt thì chính các thầy cũng gắn bó, cũng yên tâm, muốn cống hiến. Trong đó lấy tinh thần của khoa học, của dân chủ làm phương diện rất quan trọng để hiện thực yếu tố văn hóa đối với người thầy.
Để thực hiện tốt những điều này, không chỉ có nhà trường mà cần phải có sự tham gia của gia đình và xã hội, trong đó vai trò của các bậc phụ huynh và những người thân của học sinh. Mỗi người lớn cần phải là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi một phụ huynh cần phải là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi một thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng, đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác tất cả cho các thầy cô giáo. Bởi lẽ nếu trong nhà trường các thầy cô là một tấm gương tốt nhưng ra khỏi cổng trường gặp các tấm gương xấu thì hiệu quả của sự giáo dục cũng sẽ khó mà đạt được như kỳ vọng.
Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường trong sáng nhất, và an toàn nhất, theo đó, đây sẽ là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Cùng với đó, cần phải làm cho các học sinh gia tăng sức đề kháng về văn hóa, đủ khả năng để sàng lọc, để lựa chọn, để đánh giá, để thẩm thấu, để nhận thức và phản biện. Chỉ có bằng con đường nâng cao bản lĩnh văn hóa và sức đề kháng văn hóa, chúng ta mới có được những nhân cách, những phẩm chất, những năng lực.