Chiều 17/12, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) đã tiến hành tổ chức "Hội thảo Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin" (REV-ECIT).
Với chủ đề Hạ Tầng Số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam, hội nghị Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin đã diễn ra với nhiều phiên hội thảo chuyên đề. Bên cạnh các phiên báo cáo khoa học bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin.
Hội nghị "Diễn đàn trao đổi về Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam" là trọng tâm cốt lõi của sự kiện lần này. Tại đây, các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ đều sẽ có bài chia sẻ, trao đổi về thực trạng và cách giải quyết các vấn đề trong việc phát triển hạ tầng số, phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số tại Việt Nam.
Phát biểu mạc diễn đàn, ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết: "REV-ECIT 2022 nhận được 130 báo cáo và công trình khoa học của 408 tác giả đến từ 11 quốc gia, đề cập đến các vấn đề chính yếu của lĩnh vực Điện tử - Truyền thông. REV-ECIT năm nay, hướng tới chiến lược chung của Chính phủ, Hội đã đặt ra chủ đề " Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số quốc gia".
Ban tổ chức và Ban chương trình của sự kiện đã nhận được 96 công trình khoa học đến từ 64 trường Đại học, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc với sự tham gia của hơn 150 phản biện, Ban tổ chức đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu để trình bày và đăng trên kỷ yếu".
Trong diễn đàn, diễn ra vào chiều ngày 17/12 tại Cục Tần số Vô Tuyến Điện, các đại biểu đã được lắng nghe những bài chia sẻ như: "Định hướng phân bổ tần số và phát triển băng rộng vô tuyến phục vụ CĐS" của ông Bùi Hà Long - Phó Phòng chính sách quy hoạch Cục Tần số Vô tuyến điện. Bài chia sẻ về "Hệ sinh thái IoT và cơ hội cho nhà mạng viễn thông và các doanh nghiệp công nghệ" của ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc Công ty VNPT Technology cũng hứa hẹn sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm của khách tham dự.
Sự kiện ghi nhận bài chia sẻ với chủ đề "Hệ sinh thái lưới điện thông minh trong xu thế chuyển đổi số (CĐS)" của bà Trần Cẩm Linh, phó trưởng ban Viễn thông và CNTT, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và bài "Thực tế ảo tăng cường và vai trò ứng dụng trải nghiệm trong các nền tảng số" của TS Lê Xuân Chiến - Chuyên gia phòng nghiên cứu sản phẩm - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone- Tổng công ty viễn thông Mobifone.
Sự kiện đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Thông qua diễn đàn lần này, các hoạt động khoa học công nghệ mang tính học thuật cao, bám sát sự phát triển khoa học công nghệ về điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin… đã được phát huy và tiếp tục được thực hiện trong những năm tới.
Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT) là chương trình thường niên do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. REV-ECIT là nơi các nhà khoa học khẳng định những nghiên cứu của mình về Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin. REV-ECIT tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Hội nghị REV chính thức được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988, ngay sau khi Hội Vô Tuyến chính thức được thành lập. Hội nghị REV được tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, và đến năm 1990 Hội nghị REV lần thứ 3 đã chính thức được tổ chức vào mỗi dịp cuối năm.
Không chỉ được tổ chức bởi Hội Vô Tuyến, REV-ECIT còn được đăng cai tổ chức bởi rất nhiều các đơn vị thành viên như Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến Điện…