TTVH Online

Soi hồ sơ Asanzo của Shark Tam vừa bị dừng làm thủ tục hải quan do nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế

Phong Cầm 27/12/2022 09:53 GMT+7

Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo của Shark Tam vừa bị cơ quan hải quan cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan do nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế.

Asanzo bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan

Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Cục Hải quan TP. HCM vừa ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo (địa chỉ: Tòa nhà Flemington Tower 182 Lê Đại Hành, phường 15, Quận 11, TP.HCM, mã số thuế: 0314074316) theo đề nghị của Cục Thuế TP. HCM.

Lý do bị cưỡng chế của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo là có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền bị cưỡng chế trên 47 tỷ đồng.

Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 19/12/2022. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Soi hồ sơ Asanzo của Shark Tam vừa bị dừng làm thủ tục hải quan do nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo của Shark Tam vừa bị cơ quan hải quan cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan do nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh Thanh Niên

Hé mở chân dung Công ty Asanzo

Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Asanzo thành lập ngày 20/10/2016 với tên ban đầu là Công ty CP Tập đoàn Asan. Công ty thành lập với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, cơ cấu sáng lập gồm: Công ty CP điện tử A Sanzo Việt Nam góp 2 tỷ đồng (2%), Công ty TNHH Truyền thông Asanzo góp 2 tỷ đồng (2%); ông Phạm Văn Tam góp 90 tỷ đồng (chiếm 90%), cổ đông Phạm Thị The góp 2 tỷ đồng (góp 2%); Phạm Văn Toản góp 2 tỷ đồng (2%); Phạm Xuân Tình góp 2% với 2 tỷ đồng.

Ngành nghề chính của Công ty là sản xuất linh kiện điện tử. Người đại diện pháp luật tại thời điểm thành lập là ông Phạm Văn Tam (SN 1980) kiêm Tổng Giám Đốc.

Tại ngày 23/06/2017, Cơ cấu cổ đông sáng lập của Công ty thay đổi, Công ty CP Truyền thông Asanzo ghi nhận rút vốn khỏi Tập đoàn Asanzo, cổ đông còn lại gồm: Ông Phạm Văn Tam góp 90 tỷ đồng, Phạm Xuân Tình, Phạm Văn Toản, Phạm Thị The mỗi người đều góp 2 tỷ đồng và Công ty CP Điện tử A Sanzo Việt Nam góp 2 tỷ đồng.

Đến ngày 24/7/2017, ông Phạm Văn Tam bất ngờ rút mạnh vốn từ 90 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng, trong khi các cổ đông khác vẫn giữ nguyên vốn góp. Người đại diện pháp luật khi này là ông Phạm Xuân Tình (SN 1985).

Tại ngày 30/8/2017, Công ty CP Điện tử A Sanzo Việt Nam cũng rút vốn khỏi Tập đoàn Asanzo, các cổ đông còn lại gốm: Phạm Thị The góp 2 tỷ đồng, Phạm Văn Tam góp 1 tỷ đồng, Phạm Xuân Tình góp 2 tỷ đồng, Phạm Văn Toản góp 2 tỷ đồng.

Về Công ty CP Điện tử A Sanzo Việt Nam, thành lập ngày 20/11/2014. Tại ngày 2/1/2016, cơ cấu cổ đông của công ty gồm: Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc góp 2 tỷ đồng (4%), Phạm Thị The góp 2 tỷ đồng (4%), Phạm Văn Tam góp 44 tỷ đồng (88%). Đến ngày 19/5/2016, cơ cấu cổ đông thay đổi gồm: Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc góp 2 tỷ đồng, Phạm Thị The góp 2 tỷ đồng, Phạm Văn Tam góp 93 tỷ đồng. Tại đăng ký thay đổi ngày 30/5/2017, Công ty TNHH Điện tử Bảo Ngọc và ông Phạm Văn Tam rút toàn bộ vốn tại đây. Người đại diện khi này của công ty là ông Lê Đình Lâm (SN 1980).

Trước đó vào tháng 12/2020, Asanzo cũng bị nêu tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế quý II/2020 do Cục Thuế TP. HCM cung cấp. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo nợ thuế gần 40 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư Asanzo nợ thuế gần 6 tỷ đồng.

Cũng vào năm 2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã vào cuộc điều tra làm rõ có hay không các sai phạm xảy ra tại Công ty Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm chủ tịch HĐQT có dấu hiệu của việc: “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3 và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.

Sau đó, C03 xác định, chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.

Thời điểm đó, dưới áp lực dư luận, ông Tam phải rời ghế nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3.

Năm 2020, ông Tam trở lại bằng việc thành lập một tập đoàn đầu tư tài chính đa lĩnh vực lấy tên Winsan, chuyên rót vốn vào các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ngoài mảng điện tử, Winsan còn có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát…

Vốn điều lệ của Winsan tại thời điểm thành lập là 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông góp vốn, trong đó ông Phạm Văn Tam là người đóng góp chính với số tiền góp 285 tỷ đồng, chiếm tới 95% vốn sở hữu.

Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng, sở hữu 4,5% cổ phần và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ.

Tới tháng 3/2021, ông Tam tiếp tục công bố việc bước chân vào thị trường phân bón hữu cơ có tên "Ba Con Bò" khi cùng các nhà đầu tư góp 2.000 tỷ đồng vào 5 trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An. Tuy nhiên ngay sau đó ít lâu, phía đơn vị sản xuất lên tiếng phủ nhận việc này, mà cho biết, ông Tam chỉ là nhà phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK, hiện nay, Asanzo là tập đoàn điện tử có thị phần trong mảng tivi đứng đầu trong số các thương hiệu “made in Vietnam” (16%), chỉ đứng sau LG, Sony, Samsung...


An Vũ
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN