Với hơn 800 ha trồng chè, trong đó, nổi bật là vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng, tỉnh Yên Bái chủ trương phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Năm 2022, 1,5 triệu lượt khách du lịch đã đến với Yên Bái, tăng gấp 2 lần so với 2021.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NNPTNT ngày 13/1, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp tỉnh tăng 5,95%, là mức tăng trưởng cao nhất của địa phương.
Đặc biệt, 37 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương, Yên Bái đã có những chính sách riêng, qua đó chuyển đổi từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp và tổ hợp tác, kinh tế tập thể.
“Với diện tích hơn 800 ha trồng chè, một trong những mô hình nổi bật của Yên Bái đó là phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái. Thông qua mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Qua đó, năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Cụ thể là 1,5 triệu lượt khách”, ông Nguyễn Thế Phước vui mừng cho biết.
Ông Phước cho hay, năm 2022, tỉnh cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% sản phẩm OCOP địa phương đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó nâng cao sức tiêu thụ.
"Yên Bái đang thực hiện quản lý diện tích rừng lớn với hơn 50% diện tích là rừng tự nhiên. Đời sống người dân hiện chủ yếu dựa vào mức gia khoán bảo vệ rừng và vẫn còn thấp", ông Phước nói, đồng thời đề xuất Bộ NNPTNT tham mưu với Chính phủ xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng cho người dân lên mức 1 triệu đồng/ha; đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng quy định quản lý tín chỉ Carbon và có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.
Ông Phước cũng đề xuất Bộ NNPTNT sớm có hướng dẫn việc phát triển dược liệu dưới tán rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái để qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Lâm Đồng cũng là địa phương thu hút đông đảo lượt khách du lịch từ phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu bí quyết và hướng đi riêng của nền nông nghiệp tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ cách làm này, giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3-4 tỷ đồng/ha.
Dưới định hướng của Bộ NNPTNT, tỉnh phát triển nông nghiệp đa giá trị bằng cách tích hợp giáo dục, du lịch. Riêng du lịch được xem là thế mạnh của Lâm Đồng. Hiện địa phương có 3 doanh nghiệp du lịch quốc tế, có thể thu hút từ 1-3 triệu lượt du khách hàng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp đạt trung bình 4,56%/năm. Tổng diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 300.000ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 63.108ha.
Lâm Đồng xây dựng được 182 chuỗi liên kết sản xuất an toàn với 18.386 hộ tham gia; sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi đạt hơn 12% sản lượng nông sản toàn tỉnh, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%. Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới 66%; trong đó, diện tích tưới tiết kiệm đạt 38.500 ha. Đến đầu năm 2022, tỷ lệ diện tích sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 16,5%. 98% số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Báo cáo Thủ tướng và các Bộ, ban, ngành, ông Phạm S. nêu một số nguyên nhân giúp Lâm Đồng đạt kết quả này. Trong đó, ông nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xác định mô hình công nghệ, mức độ áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng chủng loại cây trồng; đồng thời bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, cảnh quan.