Vùng cao nguyên Tây Tạng xưa kia là nơi hình thành đế quốc Thổ Phồn hùng mạnh. Suốt một giai đoạn dài của lịch sử, Thổ Phồn là một thế lực đáng gờm luôn đe dọa bờ cõi Trung Hoa.
Trong lịch sử Trung Hoa, nhà Đường là một trong những triều đại phát triển rực rỡ nhất, nhưng vẫn luôn phải đối mặt với giặc ngoại xâm. Ở vùng cao nguyên Tây Tạng hình thành đế quốc Thổ Phồn từng nhiều lần uy hiếp nhà Đường.
Cụ thể, Songtsen Gampo (Tùng Tàn Cán Bố) là vị quân chủ thứ 33 của người Tạng ở cao nguyên Tây Tạng. Các sử gia Tây Tạng coi ông là vị vua vĩ đại nhất, người thống nhất các bộ tộc người Tạng, lên ngôi Tán Phổ (Hoàng đế) của đế quốc Thổ Phồn.
Songtsen Gampo sinh ra trong gia đình hoàng tộc, cha là người cai quản bộ tộc Tây Tạng ở thung lũng Yarlung. Ông lên ngôi từ năm 12 tuổi, không lâu sau khi người cha bị bộ tộc đối địch ám sát.
Theo sử sách Trung Hoa thời nhà Đường, Songtsen Gampo là người có tính tình khảng khái, anh dũng và có tài trị quốc. Cuộc đời ông gắn liền với những cuộc chinh phạt các nước chư hầu lân cận.
Chỉ sau vài năm, Songtsen Gampo cùng đại tướng Nyang Mangpoje Shangnang đã thống nhất các bộ lạc người Tạng, vươn tầm ảnh hưởng sang phía đông, giáp biên giới nhà Đường. Đế quốc Thổ Phồn từ đó chính thức hình thành (trong tiếng Trung, Thổ Phồn nghĩa là vương quốc của người Tạng).
Để có thể quản lý các vùng đất mới được chinh phục tốt hơn, Songtsen Gampo ra quyết định dời đô từ thung lũng Qonggyai về Lhasa (nay là thủ phủ khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc).
Trước thời đại của Songtsen Gampo, người Tạng không có chữ viết. Ông cử một phái đoàn gồm 16 người đến vương quốc Ấn Độ để học tiếng Phạn và học cách viết chữ, từ đó phát triển thành ngôn ngữ riêng cho người Tạng.
Đóng góp quan trọng này của Songtsen Gampo giúp bảo tồn, lưu truyền và phát triển văn hóa Tây Tạng. Songtsen Gampo đề ra các quy định, tạo ra hệ thống thuế, thúc đẩy sự phát triển của trồng trọt và chăn nuôi. Vương triều của người Tạng phát triển thịnh vượng.
Sự tồn tại của đế quốc Thổ Phồn không hề được người Trung Hoa biết tới cho đến năm 608, khi cha của Songtsen Gampo gửi một phái đoàn đến thiết lập quan hệ với nhà Tùy.
Năm 634, 8 năm sau khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân lên ngôi, Songtsen Gampo gửi phái đoàn khác đến yêu cầu thiết lập quan hệ và mong muốn được kết hôn với công chúa nhà Đường.
Đường Thái Tông khi đó đang bận chinh phạt tộc người Tiên Ti sống ở vùng Tây Vực nên không trả lời, chỉ truyền lời nói rằng chấp nhận thiết lập quan hệ hòa bình. Năm 635-636, Hoàng đế nhà Đường tiếp tục cho quân tấn công và đánh bại vương quốc Thổ Dục Hồn của người Tiên Ti, biến khu vực này thành An Tây đô hộ phủ, chịu sự kiểm soát của nhà Đường.
Năm 637, Songtsen Gampo một lần nữa gửi sứ giả đến diện kiến Đường Thái Tông, yêu cầu được kết hôn với công chúa nhà Đường. Theo sử sách Tây Tạng, đoàn sứ giả người Tạng vào triều diện kiến, lại gặp sứ giả của Thổ Dục Hồn, hai bên lời qua tiếng lại. Cuối cùng, Đường Thái Tông tuyên bố không gả công chúa.
Nghĩ rằng mình bị xem thường, Songtsen Gampo dẫn đại quân lên tới 20 vạn người tấn công Thổ Dục Hồn, khiến người Tiên Ti phải lánh nạn lên phía bắc khu vực hồ Thanh Hải. Toàn bộ khu vực thảo nguyên phía nam bị Thổ Phồn chiếm đóng.
Mùa thu năm 638, đội quân do Songtsen Gampo trực tiếp chỉ huy kéo đến vùng biên cương nhà Đường ở Tùng Châu (nay là Tùng Phan, tỉnh Tứ Xuyên). Tri phủ Tùng Châu là Han Wei đem quân nghênh chiến và bị đánh bại. Các vùng đất giáp Tùng Châu đồng loạt đầu hàng Thổ Phồn.
Đường Thái Tông liền phái Lại bộ Thượng thư Hầu Quân Tập đem quân triều đình đến ứng cứu. Theo sử sách nhà Đường, những đợt tập kích của quân Đường vào ban đêm khiến quân Thổ Phồn chịu thiệt hại đáng kể. Hai bên rơi vào thế giằng co, bất phân thắng bại.
Sử sách nhà Đường chép rằng, Songtsen Gampo bị các tướng lĩnh phản đối tiếp tục chiến dịch chinh phạt, nên buộc phải ra lệnh rút lui. Trong khi đó, sử sách của người Tạng lại viết, Songtsen Gampo chỉ rút lui sau khi hoàng đế Đường Thái Tông đồng ý gả công chúa.
Tuy nhiên, nhà Đường không có bất cứ động thái mới nào với Thổ Phồn trong 2 năm tiếp theo. Năm 640, Songtsen Gampo lại gửi phái đoàn đem theo vàng bạc, châu báu đến diện kiến, nhắc Đường Thái Tông về lời hứa năm xưa.
Đường Thái Tông sau một hồi suy nghĩ liền chọn con gái một thân vương trong dòng tộc, phong tước hiệu công chúa, gọi là Văn Thành công chúa để gả cho vua Thổ Phồn.
Năm 641, Văn Thành công chúa được hộ tống đến Thanh Hải, nơi Songtsen Gampo đợi sẵn để đưa về Thổ Phồn. Ở vùng cao nguyên Tây Tạng, Văn Thành công chúa được gọi là Gyamoza (người vợ đến từ Trung Hoa), được phong làm vương hậu.
Theo sách Thổ Phồn vương triều Thế tập minh giám, Đường Thái Tông tặng Songtsen Gampo một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng, nhiều của cải quý báu, 360 quyển kinh thư cùng nhiều học sĩ, coi như là của hồi môn dành cho Văn Thành công chúa.
Mối quan hệ hôn nhân giúp nhà Đường duy trì mối quan hệ hữu hảo với đế quốc Thổ Phồn suốt hai thập kỷ về sau. Văn Thành công chúa được xem là một trong những người đầu tiên đem Phật giáo Trung Hoa tới Tây Tạng.
Ngược lại, Songtsen Gampo cũng đưa các quý tộc và thành viên hoàng tộc đến Trường An để tiếp thu tinh hoa văn hóa Trung Hoa. Thổ Phồn cũng được nhà Đường chuyển giao cho nghề trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rượu, cối xay và làm giấy. Trung Hoa là nơi có nghề trồng dâu nuôi tằm sớm nhất thế giới.
Năm 649, vua Thổ Phồn Songtsen Gampo qua đời. Trong cuộc hôn nhân kéo dài gần 10 năm, Văn Thành công chúa không có con. Suốt 30 năm đến khi mất, bà vẫn ở lại Tây Tạng, được người dân Thổ Phồn kính trọng.
Năm 680, Văn Thành công chúa mắc bệnh và mất tại Lhasa. Bà được chôn cất theo đúng nghi thức hoàng tộc. Nhà Đường cũng gửi sứ giả đến dự lễ an táng.