Gặp nhiều khó khăn và kém lạc quan về tình hình kinh doanh trong quý I/2022 nhưng theo Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, niềm tin của doanh nghiệp trong quý II đang cao hơn. Sở này sẽ tổ chức nhiều hoạt động để tiếp sức doanh nghiệp.
Chiều 3/4, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức cung cấp thông tin định kỳ ngành công thương thành phố quý I/2023. Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết bức tranh khó khăn quý I/2023, nhất là tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt 0,7% đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với các khó khăn, thách thức do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm 2023 ước giảm 0,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1%). Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt gần 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1%, chiếm 61,97% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 22,6 tỷ USD.
Lý giải về sự sụt giảm này, theo Sở Công Thương, kể từ những tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp chịu tác động bởi suy giảm tổng cầu từ nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế bị ảnh hưởng, đơn hàng từ thị trường thế giới giảm và tình trạng có thể kéo dài đến giữa năm 2023.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM đánh giá trái với bức tranh không nhiều khả quan ở quý I/2023 trong bối cảnh GRDP của TP.HCM quý I/2023 chỉ tăng trưởng 0,7%, thì nhiều tín hiệu cho thấy, bức tranh quý II/2023 có thể sẽ có nhiều điểm sáng hơn.
Dẫn số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, ông Vũ cho biết, nếu quý I niềm tin của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo khá thấp về tình kinh doanh thì sang quý II, xu hướng cho thấy đã tích cực hơn.
Cụ thể, quý I/2023 chỉ 18,6% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên thì sáng quý II đã tăng gấp đôi lên 37,4%. Kết quả này tạo niềm tin cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tìm cách tháo gỡ các nút thắt đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo ông Vũ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm nhưng mức giảm thấp hơn so với cả nước. Đáng chú ý, sản lượng công nghiệp tuy giảm nhưng đang trong xu hướng phục hồi tăng trưởng dương. Cụ thể, IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng còn giảm 0,9%.
Nhận định tình hình xuất khẩu năm nay sẽ khó hơn so với năm trước, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, trước mắt trong quý II/2023, Sở sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, kích thích tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Sở sẽ tổ chức hội nghị hàng Việt Nam xuất khẩu, xúc tiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Hội nghị và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu dự kiến diễn ra vào tháng cuối tháng 5, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn nguyên liệu ổn định, ưu tiên kết nối, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu.