Ông Đỗ Văn Trọng (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Hiện tôi đang hưởng chế độ phụ cấp độc hại theo Thông tư số 07/2005/TT-BNV. Công việc của tôi thuộc danh mục ngành nghề theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH. Vậy, tôi có được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động dành cho người làm việc trong môi trường độc hại không?
BHXH Việt Nam trả lời:
1. Về điều kiện và thủ tục hưởng lương hưu trước tuổi đối với trường hợp có thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
(1) Về điều kiện hưởng lương hưu:
Theo quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật BHXH 2014; Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Cụ thể như sau:
a) Tuổi nghỉ hưu của NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH trong điều kiện lao động bình thường: Năm 2021 là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
b) NLĐ có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu nếu có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành;
- NLĐ có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021) từ đủ 15 năm trở lên.
c) NLĐ không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng BHXH và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành.
(2) Về hồ sơ hưởng lương hưu:
Khoản 1, Điều 108 Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng lương hưu bao gồm:
- Sổ BHXH;
- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt HĐLĐ hưởng chế độ hưu trí;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
2. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH, thì Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2021.
Thời gian NLĐ làm các nghề, công việc ban hành kèm theo các Quyết định, Thông tư ban hành trước Thông tư số 11/2020/TTBLĐTBXH vẫn được tính là thời gian làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho đến ngày Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực
3. Về quy định hưởng chế độ hưu trí cho ngành nghề độc hại thì:
Chức danh nghề trên sổ BHXH phải đảm bảo đúng theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành.
Việc xác định điều kiện nghỉ hưu theo nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi đời (ngày, tháng, năm sinh), giới tính, thời gian đóng BHXH, chức danh nghề, công việc được thể hiện trên sổ BHXH; tình trạng sức khỏe…
Do thông tin bạn đọc cung cấp chưa đầy đủ, nên BHXH Việt Nam chưa có đủ căn cứ để trả lời. Đề nghị bạn đọc đối chiếu với các quy định nêu trên hoặc cung cấp thông tin và liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được giải đáp cụ thể.