Nhiều người đặt câu hỏi vì sao U22 Việt Nam chuyền ngang, hay tạt bóng từ biên này sang biên kia nhiều trong trận đấu với U22 Singapore? Nhưng đó cũng là cách để U22 Việt Nam mở ra khoảng trống, tạo hướng tấn công mới.
Thay đổi của ông Philippe Troussier
Lê Quốc Nhật Nam là một trong hai cái tên được HLV Troussier lựa chọn, để làm mới danh sách đội hình xuất phát của U22 Việt Nam trong trận đấu thứ 2 tại SEA Games 32. Tiền vệ được đào tạo bởi CLB Viettel được đánh giá là một trong những cái tên có kĩ thuật cơ bản tốt nhất trong lứa cầu thủ sinh năm 2001 đến 2003. Một mẫu tiền vệ trung tâm bình tĩnh với quả bóng, có thể điều tiết nhịp độ, cũng là một trong số ít những cái tên đã từng làm việc và được tin tưởng trong nhiệm kì của chiến lược gia người Pháp vào giai đoạn 2019-2020 ở đội hình U22 Việt Nam lúc này.
Việc sử dụng Nhật Nam mang đến một thông điệp cụ thể từ ban huấn luyện, sau những gì đã diễn ra ở trận ra quân. U22 Việt Nam cần thay đổi nhịp độ trong khâu tấn công, điềm đạm hơn, giữ quả bóng trong chân lâu hơn để kiên trì với phong cách chơi của mình. Song, chính tiền vệ đang thuộc biên chế CLB Huế này lại là trung tâm của một quyết định mang tính thay đổi khác của ông Troussier. Mọi thứ xuất phát từ tình huống ở phút thứ 21, tình huống diễn ra đúng ý đồ của U22 Việt Nam.
Thay vì sử dụng những đường chuyền hướng đến vòng cấm địa đối phương một cách vội vàng, U22 Việt Nam bắt đầu có xu hướng sử dụng nhiều đường chuyền ngang qua khu vực giữa sân để làm chậm lại tốc độ tấn công, trong bối cảnh đối thủ phòng ngự khu vực trên sân nhà.
Hai tiền vệ trung tâm của U22 Việt Nam có một sự thay đổi tương đối rõ rệt khi luôn chủ động tạo ra cho đồng đội một lựa chọn chuyển hướng tấn công. Khi việc triển khai ở một biên bị kiểm soát, chúng ta sẵn sàng luân chuyển quả bóng và tiếp tục tìm kiếm khoảng trống.
Những bước di chuyển của Nhật Nam trong cụ thể tình huống bóng này giúp U22 Việt Nam “xoay” được trái bóng từ một biên sang biên đối diện, giải thoát khỏi khu vực đã được kiểm soát bởi đối thủ sang biên có những khoảng trống tiềm năng.
Dẫu vậy, pha bóng kết thúc bằng một quyết định tạt bóng vào vòng cấm tương đối cẩu thả của Nhật Nam, quyết định khiến ông Troussier ngay lập tức phản ứng bên ngoài đường piste bằng việc gọi tên đích danh cậu học trò “ruột” của mình.
Đó là một chuỗi kiểm soát bóng thực sự tốt của U22 Việt Nam xét trên tính kiểm soát. Thực tế rằng, đó là chuỗi chuyền bóng có số lượng đường chuyền nhiều nhất của đội bóng được dẫn dắt bởi ông Troussier xuyên suốt cả trận đấu. Bóng được luân chuyển qua cả 11 vị trí trên sân, chúng ta chuyền bóng nhiều hơn, chủ động hoàn toàn trên phần sân đối phương, nhưng lại được kết thúc bằng một quyết định vội vàng.
Chỉ 4 phút sau đó, Lê Quốc Nhật Nam bị rút ra sân. Hồ Văn Cường được sử dụng, Đức Phú trở lại với vai trò quen thuộc của mình bên cạnh Thái Sơn.
Bình tĩnh với quả bóng
Sự thay đổi người của Nhật Nam rõ ràng là điều không mong muốn, nhưng từ ý tưởng sử dụng cầu thủ này trong đội hình xuất phát, cho đến những thay đổi ngay từ những phút đầu của U22 Việt Nam, phần còn lại của trận đấu đã chứng kiến một bộ mặt đầy tích cực từ các học trò của ông Troussier. U22 Việt Nam không còn quá vội vàng trong việc phải đưa quả bóng lên phía trước như trong cuộc đối đầu với U22 Lào. Đức Phú, Thái Sơn cùng các đồng đội bình tĩnh hơn với bóng, chuyền bóng nhiều hơn và kiên nhẫn chờ khoảng trống tấn công.
Những tình huống chuyền ngang, chuyền về xuất hiện nhiều hơn. Đội bóng của ông Troussier thoát khỏi những khu vực chật hẹp vốn đã được kiểm soát tốt bởi đối phương, và mở ra khoảng trống ở những khu vực khác trên sân.
Chuyền ngang qua các cầu nối ở giữa sân để thay đổi hướng tấn công. Chuyền trả ngược để kéo đối thủ lên phía trước và khai thác không gian giữa hai tuyến. U22 Việt Nam dường như được trang bị thêm những kiến thức giá trị ở thời điểm kiểm soát bóng, để khiến thế trận của mình được cải thiện.
Đó chính xác là những gì ông Troussier chia sẻ sau trận đấu: “U22 Việt Nam đang chơi cách chơi mới. Tôi muốn họ không sợ cầm bóng triển khai. Khi đang thay đổi, cầu thủ cần có bài học qua các trận thực chiến. Tuy nhiên, có lúc họ chưa bình tĩnh, có khi chuyền sớm và muộn, họ chưa hoàn thiện. Còn hôm nay, chúng ta xứng đáng chiến thắng, thậm chí là ghi thêm 1-2 bàn. Chúng ta không nên kỳ vọng họ chơi trơn tru ngay được. Cầu thủ cần nhận ra rằng năng lực của họ có thể chơi được lối chơi này. Họ cần tuân thủ cách vận hành này.”
Nếu nhìn lại hai pha dứt điểm của Văn Trường và Quốc Việt trong hiệp 2, có thể thấy được nỗ lực của các cầu thủ áo trắng trong việc duy trì quyền kiểm soát bóng, bình tĩnh ở những khoảng trống nhỏ, tìm sự hỗ trợ và mở ra các khoảng trống ở khu vực khác trên sân.
Sự điềm tĩnh trong ý đồ kiểm soát bóng ấy dẫn đến một hệ quả tất yếu. Cự ly đội hình của U22 Việt Nam được cải thiện một cách rõ rệt. Thực tế là chúng ta đã có được những bàn thắng từ các tình huống phản công. Song, nếu nhìn nhận một cách kĩ lưỡng, đó là thành quả sau khi tất cả 11 cầu thủ trên sân làm việc cùng nhau trong một hệ thống được vận hành trơn tru hơn, với một cự ly tốt hơn giữa các tuyến.
Mọi sự tiến bộ trong bối cảnh từng trận đấu có thể sẽ thay đổi khi U22 Việt Nam phải đối đầu với một đối thủ có trình độ cao hơn. U22 Singapore đã chọn lối chơi chủ động phòng ngự ở nửa sân nhà, điều ắt hẳn sẽ không diễn ra trong hai trận đấu còn lại của nhà đương kim vô địch trước U22 Malaysia và U22 Thái Lan.
Song, chiến thắng 3-1 ở lượt trận thứ 2 sẽ là một bài học cho các cầu thủ trẻ của ông Troussier về mệnh đề kiểm soát bóng. Họ cần có một kiến thức hoàn thiện hơn để hiểu mình cần làm gì ở một khu vực nhất định, một tình huống nhất định, để biến hành động của mình trở thành những phản xạ có điều kiện.
Họ đã có một trận đấu đầy giá trị, trận đấu không chỉ dừng lại ở thành quả 3 điểm, mà còn là trận đấu để cải thiện vào niềm tin của chính họ dành cho bản thân mình và các đồng đội.