Trong báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2023 vừa công bố, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề cập đến khoản nợ khủng lên đến 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo lý giải của PVN, số nợ lớn trên trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của PVN.
Ngoài khó khăn về khoản nợ lớn chưa thu hồi nêu trên, PVN cho biết ngành dầu khí chịu tác động lớn từ các yếu tố vĩ mô trong nước, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá dầu thô, khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu đều sụt giảm. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm đã giảm từ 25-27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động bị lên xuống thất thường, máy liên tục hoạt động khiến xác suất sự cố hư hỏng các tổ máy tăng cao. Theo PVN, điều này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của Tập đoàn.
Trước đó, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng.
"Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của EVN, lỗ thuần hợp nhất từ kinh doanh hơn 19.500 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi hơn 17.800 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, EVN lỗ ròng hợp nhất năm ngoái hơn 20.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra về chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN của Bộ Công Thương và giải thích từ phía EVN, số lỗ của EVN đến chủ yếu từ chi phí phát điện. Bên cạnh đó, đa số khoản nợ của EVN với TKV là nợ trả tiền mua than cho nhiệt điện thuộc hệ thống nhiệt điện của EVN hay tiền điện trả cho các nhà máy nhiệt điện chạy dầu, khí của PVN.
Trước đó tháng 2/2023, báo Dân Việt đưa thông tin, trong 6 tháng năm 2022 Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) gánh khoản nợ khủng hơn 74.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD), gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu (45.000 tỷ đồng).
Dẫn đầu trong danh sách đơn vị nợ đọng của TKV đa phần là các công ty liên quan đến EVN, trong đó Công ty mua bán điện thuộc EVN với số nợ khủng lên đến với 2.900 tỷ đồng, chiếm 26% số nợ phải thu ngắn hạn của TKV, Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương hơn 956,2 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng hơn 481 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (CTCP Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh) hơn 428,4 tỷ đồng...
Trong báo cáo tài chính đầu năm 2022, EVN nợ TKV 3.500 tỷ đồng, đến tháng 6 EVN trả được 600 tỷ đồng, khoản nợ tính đến cuối kỳ tháng 6/2022 vẫn còn 2.900 tỷ đồng. Con nợ thứ 2 là Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương, đầu năm 2022, doanh nghiệp này nợ TKV hơn 1.061 tỷ đồng, 6 tháng mới chỉ trả được 100 tỷ đồng.
Ngày 12/7, theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng điện.
Trong đó, "EVN và các đơn vị liên quan không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng", kết luận của Bộ Công Thương nêu.