Phát triển các sản phẩm chủ lực dựa vào thế mạnh cùng với đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số là hướng đi mà huyện Xín Mần (Hà Giang) đã và đang triển khai nhằm đưa sản phẩm OCOP tiêu thụ rộng khắp trên các thị trường thông qua các sàn thương mại điện tử.
Xín Mần là huyện vùng biên, còn nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như điều kiện, trình độ dân trí, tuy nhiên huyện Xín Mần lại có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành nông nghiệp. Để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện luôn duy trì hoạt động của các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các khu du lịch trọng điểm, các gian hàng để giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện đến với khách du lịch.
Việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Xín Mần đã tập trung đầu tư và hoàn thiện các sản phẩm phi nông nghiệp, dịch vụ có thế mạnh của huyện, thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Ông Cháng Văn Kinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần cho biết, toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, còn lại đạt 3 sao. Ngành Nông nghiệp huyện đã và đang tiếp tục cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, quan tâm đến quy trình, kỹ thuật gắn với liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững trong ngành Nông nghiệp đang được huyện Xín Mần thực hiện.
Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm OCOP theo phương thức truyền thống, Xín Mần cũng đang tập trung áp dụng công nghệ số đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử và bước đầu đem lại hiệu quả rất cao như: AutoAgri.vn, Voso.vn; Portmart.vn. Cùng với sản phẩm chè của HTX Thương mại - Vận tải Tuấn Băng, một số sản phẩm OCOP của huyện như: Chè Chế Là, Chè Tuấn Băng, Trà Khổ qua rừng, Mật ong Thảo quả… cũng đã được ngành chuyên môn của huyện quảng bá và tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử.
Chị Vũ Thị Sâm, tại tổ 3, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần cho hay, hai năm trở lại đây, tôi thường bán các sản phẩm OCOP của địa phương trên các trang mạng xã hội như zalo, Facebook; thông qua các kênh này tôi bán được nhiều hơn. Khách hàng rất tin dùng các sản phẩm OCOP của huyện Xín Mần.
Đặc biệt, trong những năm qua, huyện Xín Mần đã trú trọng vào các dự án trồng rau hữu cơ, trồng củ cải và bắp cải được liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam MISAKI và Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt đã tạo ra một triển vọng về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Dự án liên kết trồng rau hữu cơ, củ cải, bắp cải, súp lơ và gừng trâu theo chuỗi giá trị được liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam MISAKI với tổng diện tích trên 14 ha; Dự án trồng rau hữu cơ, củ cải, bắp cải, súp lơ, cải thảo và cà rốt theo chuỗi giá trị được liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt với tổng diện tích trên 12 ha.
Nhận thấy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là mấu chốt để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện Xín Mần đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, từng bước cải thiện chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết, hiện nay huyện có sàn thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, giúp cho người việc đáp ứng cung cầu thuận lợi và kết nối. Ðể các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển sau khi chấm điểm, huyện đã đề ra các giải pháp như: Quy hoạch hoạch vùng và phát triển sản phẩm đa dạng nhiều mẫu mã phù hợp lưu thông trên thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ đưa sản phẩm lên sản thương mại điện tử và xúc tiến thương mại mạnh mẽ để người mua sãn sàng kết nối.
"Huyện hỗ trợ xúc tiến thương mai, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp ngoài huyện vào sản xuất và chế biến sâu về các sản phẩm có thế mạnh đến năm 2025 nhằm đưa ra thị trường ổn định và lâu dài. Đồng thời, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: Tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng", ông Tăng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng, lên sàn thương mại điện tử sẽ được các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở huyện Xín Mần tiếp tục mở rộng để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và đúng xu hướng hơn.