TTVH Online

Thứ quả dại này ở miền Tây, xưa dân ăn cho vui miệng, nay hóa đặc sản, ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt, kháng khuẩn

Phong Cầm 24/10/2023 11:47 GMT+7

Ở miền Tây, chen vào những mé bưng, mé ao, mương, đìa… không ít những loài cây dại mọc hoang. Nổi bật trong số đó là cây bình bát. Trái bình bát chín dầm đường, có người đem để trên mái nhà lá qua đêm để hứng sương. Họ tin ăn như vậy sẽ trị được bệnh nhức đầu đông...

Theo tập quán cư trú, người bình dân miệt nam sông Hậu (Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu…) thường cất nhà ven theo triền sông, mé rạch, bờ kinh. 

Dưới sông là những hàng dừa nước xanh thẳm, dày đặc. Chen vào những mé bưng, mé ao, mương, đìa… không ít những loài cây dại mọc hoang. Nổi bật trong số đó là cây bình bát.

Thứ quả dại này ở miền Tây, xưa dân ăn cho vui miệng, nay hóa đặc sản, ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt, kháng khuẩn - Ảnh 1.

Thứ quả dại này ở miền Tây, xưa dân ăn cho vui miệng, nay hóa đặc sản, ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt, kháng khuẩn - Ảnh 2.

Trái bình bát chín vàng hườm có vị chua chua ngọt ngọt, mùi hăng hăng đặc trưng. Cây bình bát, trái bình bát dại thường thấy nhiều dọc theo kênh rạch, bờ ruộng, lối đi ở nhiều tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Bình bát là loại thân gỗ cao khoảng năm, ba thước tây. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Bình bát sống trên dưới chục năm. 

Cây bình bát lớn đến hơn bắp chân người, cao gần chục thước, nhánh cành tua tủa. Bình bát cho bông màu trắng ngà, cánh dày, trái bình bát có da sần nhưng không có gai như trái mãng cầu xiêm.

Trái bình bát non có màu xanh nhạt rồi đậm dần khi già và lúc chín thì ngả màu vàng. Sau những cơn mùa là lúc bình bát chín nhiều hơn cả. Trái chín sẽ bị gió thổi rụng xuống đất. 

Không bị vật hay người tác động, trái bình bát sẽ bung nứt và từ hột trái sẽ mọc lên những cây mới. Tất nhiên cả chùm cây chen chúc, sau đó chúng tự cạnh tranh sự sinh tồn để rồi chỉ còn một vài cây trưởng thành. Những hàng bình bát cứ thế mà lớn lên.       

Ngày trước, người bình dân miền quê xứ này sống chủ yếu bằng kinh tế tự túc tự cấp. Đặc trưng cơ bản của cuộc sống ấy đó là kiếm được gì ăn nấy. 

Trẻ con lâu lắm mới được vài miếng bánh hay vài viên kẹo mẹ đi chợ về mua cho. Còn lại, cứ mỗi hừng đông, mặt trời mọc là các em chạy ra bờ kinh, mé rạch để… lượm bình bát. Có em còn dắt theo em nhỏ để vừa tự mình kiếm ăn vừa… đút cho em, đỡ đần cha mẹ.

Trái bình bát-thứ trái cây dại mọc hoang nên tay vừa lượm, tay vừa bẻ ăn, trái nào ngọt thì chia nhau, trái nào chua thì quăng bỏ.

Ăn chơi đã đời, có em còn hái mấy trái bình bát chín hườm rồi lấy vạt áo bọc đem về để ở góc ván, nắp khạp gạo… Chờ mai, chiều trái muồi thì có sẵn để ăn, khỏi phải mất công đi lượm.

Thứ quả dại này ở miền Tây, xưa dân ăn cho vui miệng, nay hóa đặc sản, ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt, kháng khuẩn - Ảnh 3.

Thứ quả dại này ở miền Tây, xưa dân ăn cho vui miệng, nay hóa đặc sản, ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt, kháng khuẩn - Ảnh 4.

Trái bình bát dầm đường là món ăn giải nhiệt rất độc đáo vào những buổi trưa hè. Cây bình bát, trái bình bát là thứ cây dại mọc hoang ở Hậu Giang, Sóc Trăng...

Cũng có khi cầu kỳ thì dùng tay gợt bỏ vỏ, lấy phần cơm của trái cây bình bát dại cho vô ly, vô chén, múc thêm muỗng đường để dầm chung. Bình bát dầm đường là món ăn giải nhiệt rất độc đáo vào những buổi trưa hè, nắng gắt.

Có người còn đem chén bình bát dầm đường để trên mái nhà lá qua đêm để hứng sương. Họ tin ăn như vậy sẽ trị được bệnh nhức đầu đông. Tất nhiên đây chỉ là kinh nghiệm dân gian, tính khoa học của nó chưa được kiểm chứng.

Ngày nay, khi nền kinh tế đã phát triển, dường như người ta không còn quá quan tâm đến đến những loại trái dại mọc hoang, trong đó có trái bình bát. 

Ký ức tuổi thơ lại được tái hiện khi thời gian gần đây người thành thị lại ưa thích trái quê, trong đó có trái bình bát hoang dại. Người ta mê trái bình bát chín nó vì vị chua chua ngọt ngọt, vì mùi hăng hăng đặc trưng và càng mê mẩn hơn vì tuy là trái dại nhưng nó là loại trái cây… sạch!



Tửu Hoàng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN