TTVH Online

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2)

Phong Cầm 08/10/2023 16:57 GMT+7

Tỉnh Nghệ An có nhiều khu vực miền núi, nguy cơ thiên tai xảy ra rất lớn nên tỉnh rất quan tâm đến chương trình bố trí ổn định dân cư. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi quỹ đất rộng nhưng để tìm được nơi ở mới an toàn cho người dân vùng thiên tai, sạt lở đất cũng không hề dễ dàng.

Kỳ 2: Về nơi tìm đất ở an toàn cho dân cũng khó

Do nằm dưới cốt nước ngập của Nhà máy thủy điện Nậm Nơn nên 34 hộ dân ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm trong diện phải di dời khẩn cấp từ năm 2018. Khu tái định cư cho 34 hộ này được bố trí nằm ngay phía sau trụ sở UBND xã Lượng Minh. Nhưng vì nhiều khó khăn, đến năm 2023 dự án mới hoàn thành và bố trí được 20 hộ dân vào ở.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Khu tái định cư cho 34 hộ dân có nhà nằm dưới cốt nước ngập của Nhà máy thủy điện Nậm Nơn trên địa bàn xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khương Lực

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Tại khu tái định cư này, hiện tượng sạt lở đất đá vẫn xảy ra khi người dân tiến hành xây dựng nhà để ở.Ảnh: Khương Lực

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2) - Ảnh 3.

Đất đá sạt lở, rơi vào nhà người dân đang xây dựng, hoàn thiện. Ảnh: Khương Lực

Ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, do thời gian đầu tư xây dựng dự án tái định cư quá lâu nên những hộ có điều kiện khấm khá hơn thì hộ kiếm mặt bằng bên ngoài khu tái định cư, thấy an toàn thì họ tự làm mặt bằng để xây nhà cửa. Số hộ vào ở khu tái định cư chủ yếu là những hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, họ chờ vào nguồn hỗ trợ thì mới di dời lên ở để ổn định cuộc sống.

Nói về nơi ở mới trong khu tái định cư, ông Lương Ngọc Chai ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, so với chỗ ở cũ cuộc sống ở khu tái định cư thua xa vì không có chỗ làm ăn. "Lúc đầu họ nói mỗi hộ được 400m2 đất, nhưng giờ làm gì được. Làm được cái nhà, muốn làm gara cũng không có chỗ làm, mưa tạt vào hết" – ông Chai nói.

Theo ông Chai, ở khu tái định cư này, người dân muốn làm chuồng để nuôi con lợn, còn gà cũng không biết làm ở đâu. Do không có đất sản xuất và tăng gia nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào việc đi nhặt hạt dẻ, hái măng trên rừng về bán. Ngày nào cao, người dân kiếm được 100.000 nghìn đồng nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn.

"Lên tái định cư, nhà này cách nhà kia một vạt đất để làm chuồng lợn, chuồng gà hoặc làm vườn rau để sinh sống, còn cái gì cũng mua, mua dân không làm gì ra tiền" – ông Chai nói và cho biết do không có tiền nên khi xây nhà thì mọi người xúm vào làm giúp, hỗ trợ không công cho nhau.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2) - Ảnh 4.

Dù đã xây nhà để ở, nhưng do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống gia đình ông Lương Ngọc Chai ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn còn rất khó khăn. Ảnh: Khương Lực

Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân vùng thiên tai ổn định cuộc sống (Kỳ 2) - Ảnh 5.

Gia đình ông Lô Văn Toàn ở khu tái đinh cư xã Lượng MInh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An rất hoàn cảnh. Hai vợ chồng già, tuổi cao sống với hai người con bị tàn tật. Ảnh: Khương Lực

Cách ngôi nhà ông Chai ở không xa là gia đình ông Lô Văn Toàn. Nhà ông Toàn khá hoàn cảnh. Trong nhà, ngoài ông bà đã tuổi cao sức yếu không đi làm được thì còn có 2 người con bị tàn tật. Để dựng được ngôi nhà, gia đình ông phải vay mượn ngân hàng 50 triệu đồng, còn công làm nhà thì các cháu hỗ trợ. Do không lao động kiếm sống được nên gia đình ông đang sống dựa vào sự tru cấp của gia đình người cháu nên còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Nguy hiểm hơn, khi về nơi ở mới vẫn có hiện tượng đất đá sạt ở phía sau nhà.

Theo ông Vi Đình Phúc, trên địa bàn xã Lượng Minh, ngoài khu tái định cư cho 34 hộ dân mới hoàn thành này còn có một khu tái định cư khác ở bản Minh Phương nhằm bố trí cho 17 hộ dân bị ảnh hưởng do Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ năm 2018. Khi dự án được đầu tư hoàn thành, trong quá trình chính quyền định phương vận động bà con lên ở thì lại xuất hiện vết nứt, sạt trượt mái taluy dương kéo tụt cả một hệ thống bờ kè.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tỉnh Thanh Hóa thống nhất cho tạm dừng vận động nhân dân vào khu tái định cư để chờ kết quả khảo sát địa chất. Đến tháng 8/2022, kết quả cho thấy chỉ ảnh hưởng phần mái taluy dương, phần tuy âm vẫn đảm bảo, có thể cho người dân đến ở. 

UBND huyện Tương Dương đã cho gia cố lại phần sạt lở đó và bố trí các hộ dân vào ở. Đến nay, khu tái định cư này đã có 4 hộ dân di dời lên ở, còn 11 hộ dân trong số những hộ thuộc diện tái định cư đã làm đơn xin được làm nhà tự do nơi khác, do thời gian chờ đợi quá lâu.

"Bà con nhân dân nơi đây mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các cấp có liên quan để làm thế nào giúp xã, giúp nhân dân bố trí quy hoạch thật ổn định và bố trí đề xuất hỗ trợ phần kinh phí để bà con, những hộ chưa lên được đây để họ có thêm nguồn kinh phí để trang trải, cải thiện cuộc sống" – ông Phúc nói.

Ông Lê Văn Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An xác định Chương trình bố trí dân cư là một trong những chương trình hết sức quan trọng; Bởi vậy, các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương rất quan tâm để thực hiện. Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh Nghệ An đã bố trí được hơn 1.000 hộ đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống cho người dân.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy hoạch bố trí ổn định dân cư cho giai đoạn 2021 - 2030. Theo đề xuất từ các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An cần bố trí ổn định cho khoảng hơn 5.000 hộ và mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2030 tỉnh sẽ quy hoạch bố trí ổn định cho hơn 8.000 hộ. "Nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An là khá lớn. Vì vậy,  trong quá trình thực hiện vừa cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế để chúng ta có kế hoạch và quyết định thực hiện hàng năm cho phù hợp" – ông Lương nói.

Khương Lực
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN