Trò chơi bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng, một thú chơi tao nhã, “đánh bài” nhưng không sát phạt, có những lời hô dí dỏm “tục” nhưng “thanh”…
Ngày 23/1, tại lỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thừa ủy của UBND tỉnh đã có tờ trình tại kỳ họp đề nghị HĐND tỉnh thông qua "Đề án và ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2024 - 2030".
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thừa ủy của UBND tỉnh đã có tờ trình tại kỳ họp đề nghị HĐND tỉnh thông qua "Đề án và ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2024 - 2030".
Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi (viết tắt là nghệ thuật bài chòi) là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo, được hình thành và phát triển qua quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân Quảng Nam nói riêng, các tỉnh Trung Bộ nói chung.
Bài chòi mang hơi thở cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ các làn điệu, lời ca bình dị, gần gũi với đời sống thường nhật, bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân, là loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng dân gian được kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca và diễn xuất sân khấu. Âm nhạc của bài chòi bao gồm các làn điệu dân ca Quảng Nam và Trung Bộ như, Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò Quảng, một số điệu lý, hò, vè…
Phần hô thai của bài chòi được lấy từ kho tàng văn học dân gian, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình, tinh thần cố kết cộng đồng, chứa đựng những bài học về đạo đức, kinh nghiệm ứng xử ở đời. Chính vì vậy, nghệ thuật bài chòi mang đậm tính giáo dục nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp, được các tầng lớp nhân dân trân trọng, gìn giữ.
Trong nghệ thuật bài chòi có trò chơi dân gian bài chòi khá phổ biến ở khu vực Trung Bộ nói chung, các địa phương ở vùng đồng bằng Quảng Nam nói riêng, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán; trong dịp này, người dân dựng chòi, mở hội chơi cho đến qua Rằm tháng Giêng.
"Trò chơi bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng, một thú chơi tao nhã - "đánh bài" nhưng không sát phạt, có những lời hô dí dỏm "tục" nhưng "thanh"; người chủ trò - gọi là anh Hiệu, chị Hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách truyền dạy kỹ năng hô, hát, năng lực diễn trò và phương pháp làm thẻ bài; và khó nhất nhưng thú vị là khả năng sáng tác lời mới, khả năng kiến tại của các anh Hiệu, chị Hiệu làm cho các cuộc chơi thêm phần hấp dẫn", tờ trình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tờ trình còn nhấn mạnh, với sự nỗ lực của cả cộng đồng, của các cấp chính quyền 9 tỉnh Trung Bộ nói chung, Quảng Nam nói riêng, nghệ thuật bài chòi đã được bảo tồn và phát huy khá tốt trong đời sống xã hội và được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014 và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Mặc dù vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi vẫn chưa thật bền vững, chưa được đầu tư tương xứng với giá trị của nó. Quảng Nam hiện có 78 Câu lạc bộ/Đội/Nhóm Bài chòi được Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở ra quyết định thành lập…
Một con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của đời sống xã hội; các nghệ nhân nòng cốt đang sinh hoạt tại các Câu lạc bộ/Đội/Nhóm Bài chòi hầu hết đã lớn tuổi và nguy cơ mai một rất cao nếu những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành di sản không được trao truyền. Do đó, trong thời gian tới cần có sự quan tâm, định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sinh hoạt, vui chơi của xã hội, thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển. Việc bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
"Việc xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; đáp ứng yêu cầu của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trong đời sống đương đại, đảm bảo thực hiện những cam kết trong chương trình hành động quốc gia của Bộ VHTT và DL về bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...", tờ trình nêu rõ.
Theo đó, tờ trình đề xuất thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2024 đến năm 2030; chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.
Tờ trình còn nêu rõ, cần hỗ trợ sưu tầm hiện vật, kịch bản, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục liên quan di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam 100 triệu đồng/năm; hỗ trợ số hóa, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi 150 triệu đồng/năm; hỗ trợ các trang thiết bị và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ/Đội/Nhóm bài chòi và hỗ trợ các trang thiết bị cho Câu lạc bộ/Đội/Nhóm Bài chòi, gồm mua 5 sắm nhạc cụ (bộ trống, đàn ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn nhị, đàn bầu…); mua sắm đạo cụ (Chòi, thẻ bài, cờ, trang phục); mua sắm âm thanh (loa, chân loa, âm ly, micro)…